Bác sĩ Bệnh viện K chỉ cách phòng tránh căn bệnh ung thư khiến gần 17.000 người Việt mắc mỗi năm
Đây là một trong 4 căn bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, chiếm 9,3% tổng số ca mắc ung thư.
Theo thống kê từ GLOBOCAN, năm 2022, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 tại Việt Nam với hơn 16.800 trường hợp mắc mới mỗi năm, chiếm 9,3% tổng số ca mắc ung thư.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng
Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu thường giống với các bệnh lý đường tiêu hóa khác khiến người bệnh dễ chủ quan và không thực hiện các kiểm tra chuyên sâu.
Theo TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K , ung thư đại trực tràng có thể biểu hiện tại nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa. Một số dấu hiệu phổ biến gồm hơi thở có mùi hôi, ợ hơi, ợ chua và đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng và đau râm ran có thể là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn nhưng trong một số trường hợp, đây cũng có thể là dấu hiệu của khối u trong dạ dày - ruột.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng thường cảm thấy chán ăn, khó tiêu, đầy trướng vùng bụng trên và ăn không ngon miệng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và sụt cân. Rối loạn tiêu hóa và đi ngoài nhiều lần trong ngày là triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh lị.
Tuy nhiên, bệnh lị có thể được điều trị bằng kháng sinh, trong khi thuốc này không có hiệu quả với bệnh nhân ung thư  đại trực tràng. Khi có các dấu hiệu như đau quặn bụng, mót rặn và cảm giác khó chịu khi đi ngoài rất có thể đây là những cảnh báo về ung thư đại tràng.
Ngoài ra chuyên gia Bệnh viện K cho hay, giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân thì rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Ngoài ra, các triệu chứng của ung thư đại trực tràng di căn còn phụ thuộc vào vị trí cơ quan mà ung thư đã lan đến và kích thước của khối u di căn. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm: vàng da, kết mạc mắt vàng; bụng to, chướng (khi di căn đến gan); đau và dễ gãy xương (di căn đến xương); khó thở (di căn đến phổi); nhức đầu, chóng mặt, hoặc co giật (di căn lên não).
Trong trường hợp nghi ngờ có khối u ác tính xuất hiện ở đại trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng từ không xâm lấn đến xâm lấn để chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.
Ung thư trực tràng thường bắt đầu từ những tổn thương lành tính (được gọi là polyp). Polyp không phải là khối u, mà là một tổn thương có hình dạng giống khối u, có cuống hoặc không, được hình thành do sự tăng sinh của niêm mạc trực tràng và tổ chức dưới niêm mạc. Dù polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
(TyGiaMoi.com) - Cách phòng chống ung thư đại trực tràng
Kiểm tra trực tràng định kỳ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư. Các polyp tiền ung thư thường không có triệu chứng rõ ràng và có thể được phát hiện thông qua nội soi trực tràng nhiều năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Việc sàng lọc giúp phát hiện và loại bỏ polyp tiền ung thư trước khi chúng tiến triển thành ung thư, đây được xem là phương pháp phòng bệnh tối ưu và cụ thể nhất.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phát sinh tại đại tràng hoặc trực tràng. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn di căn, tế bào ung thư đã lây lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc lan đến các cơ quan khác như gan, phổi, não, xương,... Sự di căn này hình thành các khối u thứ phát tại những cơ quan bị ảnh hưởng.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng, chuyên gia tại Bệnh viện K khuyến cáo hạn chế ăn nhiều thịt và chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi cùng các vitamin như E, C, A; đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt năng động và tập luyện thể dục thường xuyên.
Những người có tiền sử viêm đại tràng, polyp đại trực tràng, hoặc có người thân trong gia đình từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hay khi gặp các triệu chứng thông thường như táo bón, đầy bụng, nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Nhiều yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như:
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ.
- Bổ sung thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây).
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, rượu bia và thuốc lá để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Duy trì hoạt động thể chất và luyện tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.