Quốc tế

Bài học khủng hoảng của kỳ lân EdTech đắt giá nhất thế giới

Hạ Thảo 14/09/2023 - 07:41

Bài học của Byju's - kỳ lân công nghệ giáo dục (EdTech), nhiều khả năng sẽ được đưa vào sách dạy kinh doanh. Nguy cơ thất bại của Byju's không liên quan đến sản phẩm cốt lõi mà bắt nguồn từ định hướng quản lý kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo.

Hành trình trở thành kỳ lân EdTech lớn nhất thế giới

Người sáng lập công ty, Baiju Ravindran, là một kỹ sư có trình độ học vấn cao, nhưng không làm công việc chuyên môn được lâu. Khi giúp bạn bè chuẩn bị ôn thi, Baiju Ravindran phát hiện ra tài năng dạy kèm của mình và bắt đầu kiếm tiền từ việc đó.

Năm 2007, Baiju Ravindran thành lập một công ty luyện thi đại học và trở nên nổi tiếng đến mức phải tổ chức các buổi dạy quy mô lớn ở các sân vận động.

Năm 2011, nền tảng trực tuyến Think&Learn đã được ra mắt, sau đó, vào năm 2015, ứng dụng di động Byju's đã chính thức ra mắt. Dự án đã thu hút hàng triệu khán giả ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh.

Ban đầu, Byju's cung cấp các bài học về Toán, tiếng Anh và Khoa học để học sinh tiểu học tự học, nhưng dần dần bao trùm tất cả các cấp độ của chương trình giảng dạy ở trường học. Các khóa học cũng được thêm vào để chuẩn bị cho các kỳ thi khác nhau của Ấn Độ và quốc tế.

Baiju Ravindran - người sáng lập kỳ lân Byju's.

Byju's ngay lập tức thu hút sự chú ý và nguồn vốn đầu tư. Năm 2018, công ty chính thức trở thành kỳ lân (EdTech - công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD) đầu tiên của Ấn Độ, nhưng vẫn chưa niêm yết. Năm 2019, Baiju Ravindran trở thành tỷ phú.

Theo giới nghiên cứu, sự tăng trưởng thần tốc của Byju's là nhờ có các điều kiện thuận lợi mang tính đặc thù của thị trường Ấn Độ: ứng dụng được ra mắt vào thời điểm việc truy cập Internet đang mở rộng ồ ạt trong nước và các nhà cung cấp địa phương đưa ra mức giá cước ưu đãi nhất trên thế giới; Ấn Độ có dân số trẻ và tăng nhanh, tạo ra cộng đồng nhiều học sinh và sinh viên có nhu cầu học tập...

Tuy nhiên, chính đại dịch Covid-19 mới thực sự là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng bùng nổ của Byju's. Vào năm 2020, lượng khách hàng của nền tảng này tăng vọt tới 50% và giá trị của Byju's đã tăng gấp đôi, lên 12 tỷ USD.

Năm 2021, công ty tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD để mua lại các công ty khởi nghiệp giáo dục khác và phát triển cơ sở khách hàng của mình. Số lượng người dùng ứng dụng đạt mốc 100 triệu, trong đó hơn 6 triệu khách hàng đăng ký trả phí. Cuối năm đó, Byju's trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới với mức định giá 21 tỷ USD. Việc niêm yết được lên kế hoạch vào đầu năm 2022.

Sai lầm đồng loạt phát sinh

Năm 2022, Byju's bắt đầu gặp vấn đề. Bloomberg cho rằng, dự án tăng trưởng quá nhanh trong những năm trước. Các nhà đầu tư đã rót hàng tỷ USD vào đó sớm nhận ra những sai sót trong chu trình quản lý.

Ví dụ, công ty không có giám đốc tài chính trong suốt một năm rưỡi; các công ty khởi nghiệp giáo dục trị giá được mua lại một cách bừa bãi với tổng chi phí tới 2 tỷ USD; tốc độ luân chuyển nhân sự cao đến mức nhiều trung tâm đào tạo trực tiếp bị trống rỗng. Trong khi đó, nhu cầu tham gia các lớp học trực tuyến lại giảm sút.

Ngoài ra, mặc dù có những khoản đầu tư khổng lồ, Byju's vẫn thiếu vốn để mua ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp khác và mở rộng nhanh chóng, do đó người sáng lập Baiju Ravindran đã quyết định chuyển sang sử dụng nguồn vốn đi vay, khiến Byju's phải gánh khoản nợ lên tới khoảng 1,2 tỷ USD.

Kỳ lân EdTech Ấn Độ thành công nhờ cung ứng các nền tảng ứng dụng học tập bằng tiếng Anh.

Năm 2022, dòng vốn đầu tư vào dự án bắt đầu suy giảm. Công ty bị ảnh hưởng nặng nề sau khi hai thương vụ đầu tư đã được công bố vào tháng 7/2022 nhưng không được thực hiện bởi các quỹ đầu tư giải ngân vốn cho Byju's "vì lý do kinh tế vĩ mô". Khoản đầu tư lớn duy nhất trong thời kỳ này là 400 triệu USD do chính Baiju Ravindran xuất ra.

Sang hè 2022, công ty không thể cung cấp cho chính quyền Ấn Độ báo cáo tài chính cho năm tài chính trước đó. Khi được hỏi về lý do của sự chậm trễ, Byju's viện dẫn những khó khăn trong việc kiểm toán liên quan đến nhiều công ty khởi nghiệp được mua lại trong năm báo cáo tài chính.

Phải đến tháng 9/2022, báo cáo hậu kiểm toán của Byju's mới công bố rằng năm 2021, kỳ lân đắt giá nhất Ấn Độ gánh chịu khoản lỗ ròng tới hơn 570 triệu USD. Vì vậy, bất chấp những khẳng định của Baiju Ravindran rằng triển vọng công ty sẽ kết thúc năm tiếp theo với lợi nhuận ròng, cũng không còn nhận được sự tin tưởng, Byju's chính thức bước vào thời kỳ khủng hoảng.

Những dấu hiệu đầu tiên liên quan đến việc bán lại khoản nợ 1,2 tỷ USD cho các chủ nợ mới ở Mỹ - những người yêu cầu thanh toán nhanh hơn. Các vụ kiện xảy ra sau đó bởi một số nhà đầu tư cáo buộc công ty che giấu 500 triệu USD. Các chủ nợ khác chưa đến lượt thanh toán cũng khởi kiện ra tòa.

Sự tăng cường kiểm tra của nhà chức trách Ấn Độ khiến căng thẳng càng gia tăng. Hoạt động bán hàng rầm rộ của Byju's vào năm 2022 đã thu hút sự chú ý của Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ quyền trẻ em, sau khi người mua bị buộc phải trả lãi suất tín dụng để thanh toán cho ứng dụng.

Trong bối cảnh đó, cuối năm 2022, Byju's đã thay đổi chiến lược bán hàng. Người bán không còn tiếp cận khách hàng tiềm năng tại nhà. Tuy nhiên, chính quyền Ấn Độ vẫn giám sát chặt chẽ công ty, điều này khiến việc báo cáo tài chính bị trì hoãn.

Tháng 4/2023, văn phòng của công ty ở Bangalore (Ấn Độ) bị đột kích. Cơ quan chức năng công khai thông báo Byju's bị nghi ngờ vi phạm luật tiền tệ. Chứng kiến các cuộc gọi của người đứng đầu công ty với các nhà đầu tư khi đó, nhiều người cho hay Baiju Ravindran đã phải bật khóc.

Tương lai u ám vẫn đang chờ đợi

Tháng 6/2023, đại diện của ba nhà đầu tư lớn nhất đã rời khỏi HĐQT công ty, đồng thời Kiểm toán Deloitte từ chối hoàn thành báo cáo tài chính của Byju's cho năm tài chính 2022. Bộ Doanh nghiệp Ấn Độ cũng mở một cuộc điều tra về các hoạt động của công ty do liên tục chậm trễ trong việc báo cáo.

Byju's đã sa thải hơn 3.000 nhân viên trong năm 2022 và sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 1.000 nhân sự trong năm 2023. Mặc dù Byju's vẫn là một “kỳ lân”, nhưng mức định giá đã giảm hơn 4 lần, từ 22 tỷ USD xuống còn 5,1 tỷ USD.

Baiju Ravindran cũng không còn là tỷ phú. Công ty đang mắc nợ và thời hạn tái cơ cấu được thỏa thuận trước đó đã trôi qua.

Theo Bloomberg, người sáng lập Baiju Ravindran hy vọng sẽ khắc phục tình trạng này bằng khoản đầu tư mới tổng trị giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2023. Nếu hoàn thành các thỏa thuận, công ty có thể trả nợ cho các chủ nợ.

Nhiều người tiếp tục tin tưởng vào sự thành công của Byju's, bởi ứng dụng di động này vẫn có 150 triệu người dùng, sản phẩm vẫn có nhu cầu và được cập nhật thường xuyên.

Tại cuộc họp vào tháng 6/2023 với các nhân viên, Baiju Ravindran kêu gọi họ lờ đi những ồn ào, bởi lẽ “điều tốt đẹp nhất dành cho Byju's vẫn chưa đến”. Nhưng ngay cả khi công ty này được giải cứu, tình hình nói chung vẫn sẽ làm nản lòng các quỹ đầu tư nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ.

Chưa kể, kết quả nghiên cứu mới đây của công ty nghiên cứu thị trường giáo dục HolonIQ (Mỹ) cho thấy lượng vốn đầu tư vào EdTech tiếp tục giảm trên phạm vi toàn cầu. Do đó, các nhà phân tích cho rằng hầu hết các công ty công nghệ giáo dục sẽ phải từ bỏ việc tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

(Theo Skillbox)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bai-hoc-khung-hoang-cua-ky-lan-edtech-dat-gia-nhat-the-gioi-2189050.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bài học khủng hoảng của kỳ lân EdTech đắt giá nhất thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH