Quốc tế

Bain Capital rót tiền “khủng” vào Masan: Chớp thời cơ khai thác kỷ nguyên vàng của thị trường tiêu dùng Việt Nam

Hoàng Yến 08/10/2023 15:51

Với nhiều tiềm năng, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030. Masan đang là người dẫn đầu khi sở hữu nền tảng giúp tiếp cận và hiện thực hóa câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng.

Bain Capital rót tiền “khủng” vào Masan: Chớp thời cơ khai thác kỷ nguyên vàng của thị trường tiêu dùng Việt Nam

Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố một thông tin đầy tích cực trên thị trường tài chính Việt: Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với giá trị tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD dẫn đầu giao dịch đầu tư vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị lên đến 500 triệu USD. Trước mắt, đơn vị này sẽ rót tối thiểu 200 triệu USD và tối đa 500 triệu USD vào Masan.

Giao dịch này là khoản đầu tư bằng vốn cổ phần với hình thức Cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (“Convertible Dividend Preference Share” hoặc “CDPS”) được phát hành với giá trị 85.000 VND/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 1:1. Các cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi này không trả cổ tức trong 5 năm đầu tiên, và từ sau năm thứ sáu trở đi, mỗi năm nhận cổ tức 10% trên mệnh giá. Vào dịp 10 năm phát hành, các CDPS sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Masan Group. Ngoài cổ tức cố định, mỗi CDPS sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có).

Được biết, với thương vụ này, tình hình tài chính của Masan sẽ có sự chuyển biến cực lớn theo hướng tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ nợ trên lợi nhuận chỉ còn duy trì ở mức dưới 3,5 lần - đây là yếu tố cốt lõi tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững cho Masan.

Có rất nhiều lý do khiến Bain Capital lựa chọn đầu tư khoản tiền lớn vào Masan. Nhưng, theo ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital, tiềm lực của “ông lớn” ngành hàng tiêu dùng nhanh Masan và cơ hội vàng của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam là 2 động lực lớn để ông lớn nước Mỹ lựa chọn rót tiền.

Tiềm năng của mô hình kinh doanh

Phát biểu tại buổi lễ ký kết đầu tư vào Masan, ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital khẳng định: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Masan trong dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Masan có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao.

Masan là một trong những thương hiệu uy tín nhất tại Việt Nam với khả năng dự đoán xu hướng tiêu dùng và đáp ứng những nhu cầu này nhờ vào nền tảng hệ thống và những sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của Masan, được những nhà lãnh đạo hàng đầu dẫn dắt”.

Niềm tin của quỹ đầu tư hàng đầu nước Mỹ không phải không có cơ sở. Theo Infocus Mekong Research, mặc dù chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đạt mức thấp nhất trong 12 tháng qua và hầu hết các doanh nghiệp FMCG và bán lẻ tại Việt Nam đều có kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Masan lại đạt được những con số ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2023, Masan ghi nhận tổng doanh thu đạt 37.315 tỉ đồng, tăng 3,6% so với số 36.023 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Đặc biệt, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của The CrownX (TCX), nền tảng tích hợp dành cho ngành tiêu dùng và bán lẻ của Masan, bao gồm WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 38,8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào sự ổn định của lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng.

Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vàng của bán lẻ tiêu dùng Việt Nam

Được ví như một Ấn Độ thu nhỏ, Việt Nam vẫn được giới đầu tư đánh giá là điểm sáng của câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Và sắp tới đây, khi tiêu dùng phục hồi, Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên vàng của bán lẻ tiêu dùng. Chính bởi tiềm năng này, Việt Nam được lựa chọn là điểm đến của quỹ đầu tư lớn hàng đầu nước Mỹ.

Nghiên cứu của HSBC Global Research mới đây cũng dự báo Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Anh. Động lực chính cho “kỷ nguyên vàng ngành hàng tiêu dùng” nằm ở quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, cùng với sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập tăng và nhu cầu ngày càng đa dạng. Cũng theo dự báo của HSBC, tầng lớp trung lưu cao ở Việt Nam (có thu nhập trong khoảng 50-110 USD/ngày) sẽ tăng bình quân 17% mỗi năm từ nay đến 2030.

Nhờ tăng trưởng nhanh của dân số thu nhập trên 20 USD mỗi ngày lẫn tầng lớp trung lưu cao, mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường Việt Nam là gần 8% mỗi năm trong thập kỷ hiện tại. Tỷ lệ này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, cùng với Bangladesh và Ấn Độ.

Với mức tăng trưởng gần 8%, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2021-2030.

Không chỉ thế, thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách của Chính phủ cũng đã và đang tạo động lực lớn cho ngành hàng tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến tiêu cực, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để kích cầu thị trường nội địa, coi tiêu dùng là một trụ cột góp phần vào việc phục hồi và phát triển kinh tế. Chính vì thế, Việt Nam thông qua việc giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2023. Chính sách này đã góp phần tích cực thúc đẩy tiêu dùng. Chính sách giảm VAT cùng với những chính sách khác như tăng lương cơ sở, miễn giảm 36 loại phí…được kỳ vọng giúp ngành hàng tiêu dùng bứt phá khi sự thúc đẩy chi tiêu của người dân đến từ nhiều phía.

Masan sẽ đi đầu trong kỷ nguyên vàng ngành hàng tiêu dùng

Masan đã và đang chuyển đổi từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu trở thành một Tập đoàn sở hữu nền tảng tiêu dùng bán lẻ, hướng đến những tăng trưởng tiềm năng xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng. Với vị thế dẫn đầu thị trường tiêu dùng Việt Nam và 3 động lực tăng trưởng trong tương lai, Masan được Bain Capital kỳ vọng sẽ là cánh chim đầu đàn trong kỷ nguyên vàng của ngành hàng tiêu dùng. Cụ thể, Masan nhận diện rõ 3 động lực tăng trưởng chủ chốt trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất là chiến lược cao cấp hóa sản phẩm cùng những phát kiến, đổi mới, đặt sức khoẻ người tiêu dùng làm trọng tâm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh của Masan Consumer Holdings.

Thứ hai là sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại, được tăng tốc nhờ nền tảng bán lẻ WinCommerce. Chương trình Hội viên WIN, nền tảng trung tâm của Masan giúp tạo cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng đã đạt 7 triệu Hội viên và đặt mục tiêu nâng con số này lên 10 triệu vào cuối năm nay, 30 triệu vào năm 2025.

Và cuối cùng là sự chuyển đổi sang sản phẩm thịt có thương hiệu với chất lượng cao, giàu protein hơn do Masan MEATLife cung cấp.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group cho biết: “Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng gặp nhiều thách thức, Masan vẫn liên tục đầu tư vào nền tảng sẵn có và không ngừng thực hiện những đổi mới mang tính đột phá để luôn ở vị thế sẵn sàng khi thị trường tiêu dùng phục hồi”.

Vị lãnh đạo chia sẻ Masan đặt mục tiêu lợi nhuận sẽ tăng theo cấp số nhân trong “kỷ nguyên vàng” của thị trường tiêu dùng Việt Nam.

“Trong suốt thời gian qua. Masan đã không ngừng triển khai các sáng kiến, đầu tư lấy người tiêu dùng làm trọng tâm để đạt được 80% thị phần chi tiêu của người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Bain Capital để thúc đẩy tầm nhìn này, trở thành nền tảng đáp ứng vạn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng”.

Xem thêm: Mô hình tiêu dùng bán lẻ của Masan có gì đặc biệt để thu hút Bain Capital và một loạt quỹ ngoại?

Hơn 1.000 tỷ đồng ‘tiền tươi’ về tay, Masan (MSN) sẽ có động thái gì tiếp theo?

Masan (MSN) 'chốt lời' khoản đầu tư vào Masan High-Tech Materials (MSR), thu về hơn 1.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bain-capital-rot-tien-khung-vao-masan-chop-thoi-co-khai-thac-ky-nguyen-vang-cua-thi-truong-tieu-dung-viet-nam-204571.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bain Capital rót tiền “khủng” vào Masan: Chớp thời cơ khai thác kỷ nguyên vàng của thị trường tiêu dùng Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH