Báo chí dùng công nghệ số và nội dung khác biệt để lấy lại trận địa
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng phía sau, do vậy phải có sự khác biệt, đó là quay lại những giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo sẽ tăng lên.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu vấn đề trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội  tràn lan thông tin sai lệch, tin giả, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Đại biểu chia sẻ, kinh tế báo chí là ngành có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là mũi nhọn của nhiều quốc gia, báo chí truyền thông trở thành ngành công nghiệp với quy mô sản xuất lớn, có sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Cách đây nhiều năm khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo. Khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí, số lượng báo chí cũng không nhiều. Các cơ quan báo chí khi đó cũng mong muốn được tự chủ tài chính, không dùng ngân sách Nhà nước.
Nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, chiếm 80% quảng cáo trực tuyến trong khi đó chúng ta có nhiều báo, tạp chí (đến nay 880 cơ quan), như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ "số lượng thì tăng nhưng nguồn thu giảm thì ứng xử như thế nào?".
Trong chỉ thị về truyền thông chính sách do Thủ tướng ban hành có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động, có kế hoạch, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Bộ trưởng cho rằng đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Sắp tới, sửa Luật Báo chí cũng đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội cũng sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt là quay lại những giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí có nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành "sức mạnh truyền thông", mục đích nhằm tạo điều kiện, cơ chế cho các cơ quan này. Tới đây, Luật Báo chí sẽ sửa đổi theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế cho các cơ quan báo chí chủ lực. Bộ trưởng mong Quốc hội ủng hộ chủ trương này.
Tranh luận sau đó về nguồn thu của báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhận thấy Bộ trưởng TT&TT rất quan tâm đến kinh tế báo chí. Do vậy, đại biểu đề cập đến cách thức hỗ trợ cơ quan báo chí cho hiệu quả, "tại sao báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi", đại biểu đặt vấn đề.
"Bộ trưởng đã nói về truyền thông chính sách như lối mở để báo chí tăng nguồn thu, theo tôi truyền thông chính sách là báo chí phải làm hiệu quả công tác này chứ không phải là nguồn để hỗ trợ cho báo chí sống được, tồn tại được", đại biểu bày tỏ quan điểm.
Ông Nghĩa cho rằng "nếu cứ cấp kinh phí, ngân sách cho một số tờ báo và coi đấy là báo chí cách mạng nên cách mạng phải nuôi thì rõ ràng chưa quan tâm thực sự đến hiệu quả, ở góc độ nào đó chưa nhìn kỹ nội lực của sự gắn bó giữa báo chí với nhân dân... Nói lên sự thật thì sẽ cạnh tranh được với mạng xã hội, chỉ rõ định hướng để công chúng tin tưởng cơ quan báo chí. Tôi không hiểu ngân sách có thể bố trí bao nhiêu để nuôi các cơ quan báo chí...".
Về vấn đề liên quan đến báo chí cách mạng, Bộ trưởng cho rằng, "trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi 100%", khi kinh tế thị trường phát triển thì các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo.
Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách, còn 70% do tự bươn chải. Có nhiều cơ quan báo chí lớn có ảnh hưởng mạnh lại không có hỗ trợ mà 100% dựa vào thị trường. Bộ trưởng cho rằng, như vậy thì có trở thành báo chí thị trường hay không, đây là vấn đề cần cân nhắc, quan tâm.
"Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không?", Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng nếu Nhà nước nuôi toàn bộ cơ quan báo chí thì sẽ không phải chi trả. Nhưng hiện nay nhiều cơ quan báo chí tự lo cơ sở vật chất, chi thường xuyên...thì Nhà nước đặt hàng có ngân sách kèm theo là phù hợp...".
Bộ trưởng nhấn mạnh, báo chí cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của Nhà nước, cũng cần bám sát thị trường, độc giả - "đi hai chân" để giữ vị thế.
>> 'Mạng xã hội có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ thông tin xấu độc, sai sự thật'