Vĩ mô

Bao giờ ngành chăn nuôi thoát cảnh phụ thuộc nhâp khẩu?

Ánh Ngọc 18/09/2024 - 20:59

Trung bình mỗi năm Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng phụ thuộc khi nhập khẩu tới 85% khối lượng. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức không dễ hóa giải đối với ngành chăn nuôi.

Nhập siêu thịt, phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam hàng năm đạt khoảng 545.000 - 550.000 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD/năm. Hàng năm, ngành chăn nuôi đạt tổng sản lượng thịt hơn 7 triệu tấn (trong đó, thịt lợn hơi 4,5 triệu tấn; thịt gia cầm 2,3 triệu tấn); 19,2 tỷ quả trứng gia cầm, sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn…

Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Ảnh minh họa
Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Ảnh minh họa

Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 324 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tình trạng kháng kháng sinh… Đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Theo số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515 triệu USD. Như vậy, ngành chăn nuôi nhập siêu mỗi năm khoảng trên 3 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2024, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đã lên tới 2,09 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thịt gia cầm nhập khẩu 195.000 tấn, tăng 30%. Ngoài nhập khẩu chính ngạch, còn lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập lậu (lợn thịt, trâu. bò, gà giống...)

Lý giải nguyên nhân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng phân tích: "So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.”

Một vấn đề khác đáng quan tâm đó là sở dĩ giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao là do 85% khối lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 6,8 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng của năm 2024, Việt Nam chi 2,91 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Cách nào hóa giải?

Bộ NN&PTNT đánh giá, dù còn nhiều thách thức, nhưng những tháng cuối năm 2024, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước. Hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt giá thịt lợn tăng, đảm bảo giúp chăn nuôi có lãi. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng trưởng ở mức tăng 5,5%/năm, đầu ra cho chăn nuôi rộng mở hơn.

Một trang trại nuôi gà công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa.
Một trang trại nuôi gà công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 2 - 3 đợt. Doanh nghiệp và nông dân kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong các tháng cuối của năm 2024, do giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm rất mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chăn nuôi. Theo đó, Bộ đã có những dự báo, tham mưu cho Chính phủ về nhu cầu thực phẩm sẽ tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán. Do đó, phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đảm bảo dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Về dài hạn, ngành chăn nuôi đang thúc đẩy chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, giảm phát thải, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Chăn nuôi tại Việt Nam khác với ở các quốc gia khác, đó là phải duy trì sinh kế cho nông dân, duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo an sinh xã hội. Nếu chỉ phát triển công nghiệp hóa chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại sẽ dễ hơn rất nhiều, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có cái khó là phải đảm bảo an toàn sinh học.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào nâng cao chất lượng đầu ra.

Cùng với đó, thúc đẩy sử dụng phế phụ phẩm của các ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thủy sản để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; đồng thời sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón cho cây trồng, để tạo nên tuần hoàn của ngành chăn nuôi theo tiêu chí bền vững, an toàn thân thiện với môi trường.

Trong nửa đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi. Trong tháng 8/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, 9 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024). Như vậy, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, có chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng để ngành phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

>> Bất ngờ với kết quả kinh doanh của các 'ông lớn' ngành chăn nuôi

Hiệu ứng siêu bão Yagi, một cổ phiếu đầu ngành chăn nuôi có thể tăng gần 30%

Ông lớn ngành chăn nuôi GreenFeed báo lãi đậm trong 6 tháng đầu năm

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/bao-gio-nganh-chan-nuoi-thoat-canh-phu-thuoc-nhap-khau.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bao giờ ngành chăn nuôi thoát cảnh phụ thuộc nhâp khẩu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH