Bão số 3 quần thảo nhiều giờ ở Quảng Ninh - Hải Phòng, 4 người tử vong
Sau khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng, bão số 3 đã càn quét nhiều giờ tại khu vực này gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề. Hiện tại, Hà Nội đang hứng chịu gió giật mạnh kèm mưa to do ảnh hưởng của cơn bão này.
Sáng 7/9, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 với nhiều nội dung quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.
17h30:
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h ngày 7/9, bão số 3 Yagi đã làm 4 người chết (Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).
Thiệt hại về tàu thuyền: Đã có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải bị đứt neo trôi dạt.
Về nhà ở và cây xanh, nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị đổ tại các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hải Phòng, TP Hà Nội.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương và TP Hải Phòng đã bị mất điện trên diện rộng.
17h00: Khuyến cáo người dân không ra đường
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.
Tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn.
Ông Thanh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Chiều 7/9, trao đổi với VP VietNamNet, một lãnh đạo UBND quận Đống Đa (TP Hà Nội) xác nhân việc một ngôi nhà 2 tầng trên phố Khâm Thiên bị sập do ảnh hưởng của bão số 3.
“Ngôi nhà này đang trong quá trình tháo dỡ để chuẩn bị xây dựng nên không có người ở. Để đảm bảo an toàn, địa phương cũng đã cho tháo dỡ mái tôn của ngôi nhà”, vị lãnh đạo quận Đống Đa chia sẻ.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đã có văn bản hoả tốc gửi đến người dân sinh sống trên địa bàn thành phố.
Trong đó, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trước 20h tối nay, trừ các lực lượng phòng chống thiên tai, các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ, để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ.
16h30:
Tại Hà Nội, gió liên tục mạnh thêm. Người dân sống trên các chung cư cao tầng cảm nhận rõ áp lực của gió bão tác động lên cửa ban công, cửa sổ.
Tại Hải Dương, mưa như trút, gió giật mạnh.
16h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Trong 3 - 6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-90mm, có nơi trên 130mm. Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm.
15h20:
Bão số 3 càn quét qua TP Hạ Long, hàng loạt nhà hàng, khách sạn bị vỡ tung cửa kính. Những nhà hàng ven biển gần như bị cuốn sạch. Rất nhiều ô tô bị hư hại. Cây cối la liệt đổ giữa đường.
XEM CLIP: Tấm tường kính của tòa nhà ở TP Hạ Long bị gió bão làm đổ sập (nguồn: MXH)
Tại Hải Phòng, các con phố xơ xác vì bão số 3.
Khoảng 8h tại Hải Dương, ông B.T.L. (53 tuổi, trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) điều khiển xe máy mang biển số 17N3-56xx chở theo 1 người ngồi phía sau di chuyển trên TL392 theo hướng Thanh Miện đi Gia Lộc.
Do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa to, gió giật mạnh làm 1 cây bạch đàn trồng bên đường tại Km18+500 TL392 (khu vực qua địa phận xã Quang Minh, huyện Gia Lộc) bị đổ vào ông L.
Vụ tai nạn khiến ông L. tử vong trên đường đi cấp cứu.
15h00:
Vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
14h50:
Tại Nam Định có gió lớn giật mạnh. Nhiều cây xanh cổ thụ bị quật đổ.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy (Nam Định) cho biết, lực lượng chức năng đang khẩn trương dọn dẹp cây xanh gãy đổ để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tại xã Giao Yến, một cột điện 110kV gần tuyến đường bộ ven biển bị gãy đổ.
14h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Tại Hà Nội, gió mạnh tiếp tục khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ.
Tại Hải Dương, gió mạnh đã lật bay nhiều mái tôn.
XEM CLIP: Gió bão cuốn bay mái tôn ở Hải Phòng
13h30:
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 13h, bão Yagi đã gây thiệt hại cho Quảng Ninh, Hải Phòng. Bão đã làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thái Bình chưa ghi nhận thiệt hại.
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), hiện tại bão số 3 đang hoành hành.
Một khách sạn tại TP Hạ Long bị gió giật tung hàng loạt tấm kính. (Nguồn: MXH)
Tại Ninh Bình, mưa lớn khiến cây phượng trên đường Lương Văn Tụy (phường Tân Thành, TP Ninh Bình) bị bật gốc đổ ra đường.
Tại Hải Dương, gió thổi bay phần mái chống nóng của dãy nhà 2 tầng, 5 phòng học của trường mầm non ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển trên đường tỉnh 396 đoạn qua trường mầm non này.
13h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Tại Hà Nội, nhiều cây xanh trên đường Trần Phú và Quang Trung (quận Hà Đông) đã đổ chắn ngang đường. Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã nhanh chóng có mặt phân luồng, cảnh báo các phương tiện.
Metro Hà Nội vừa phát đi thông báo tạm dừng hoạt động 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội từ 12h32. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.
12h30:
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) có mưa to, gió rít từng cơn trước thời điểm bão số 3 đổ bộ đất liền.
Tại Hà Nội, nhiều gara ô tô dùng các biện pháp chắn kính nhằm ngăn gió quật.
12h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Tại Quảng Ninh, khung cảnh tan hoang tại khu du lịch Bãi Cháy trước khi bão số 3 đổ bộ, rất nhiều cây lớn bị gãy cành, bật gốc. Đường phố lúc này thiếu an toàn, rất ít phương tiện lưu thông.
Tại Ninh Bình, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đến thăm hỏi, động viên các lực lượng chức năng đang trực chốt bão số 3 tại huyện Kim Sơn. Hiện tại, vùng biển Kim Sơn đang có mưa, gió giật mạnh.
11h00:
Vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
10h20:
Bão số 3 đang tiến gần vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, đã ghi nhận gió mạnh: Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh): cấp 12, giật 14; TP. Hải Phòng: cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP. Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.
Tại Hà Nội, gió mạnh đã quật đổ nhiều cây xanh.
Tại Thái Bình, khu vực bãi biển Cồn Vành (Nam Phú, Tiền Hải) đang mưa to, sóng lớn.
10h15:
Tại Quảng Ninh, cây cối nghiêng ngả, đổ gãy ở trung tâm TP Hạ Long.
Tại Hải Phòng, đảo Cát Bà có mưa to kèm gió lớn.
Tại Thanh Hóa, UBND huyện Mường Lát cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng nay khu vực huyện có mưa kèm theo gió lốc mạnh khiến hơn 10 ngôi nhà ở xã Pù Nhi và thị trấn Mường Lát bị tốc mái. Lực lượng chức năng đã sơ tán người dân khỏi các nhà bị tốc mái, đồng thời giúp người dân khắc phục nhà bị hư hỏng.
10h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.
9h50:
Mưa lớn kèm gió mạnh xuất hiện tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Một vài người dân lúc này vẫn ra đường nhưng di chuyển khó khăn vì gió mạnh.
Trung tâm TP Hải Phòng bắt đầu mưa lớn và gió to.
9h00:
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng . Sức gió mạnh nhất: Cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), lực lượng chức năng phường Hồng Hà có mặt tại điểm neo đậu tàu thuyền, liên tục đọc loa gọi bà con về nhà tránh bão. Dù lực lượng chức năng thông báo từ chiều hôm qua nhưng còn nhiều người cố tình ở lại thuyền với lý do bảo vệ tài sản cá nhân.
UBND phường Hồng Hà cho biết, hiện đã bố trí nơi tránh trú, di dời cho bà con trong trường hợp khẩn cấp.
8h20:
Tại huyện Cô Tô, Quảng Ninh: Bão số 3 gây sóng lớn, mưa gió dữ dội.
Tại Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đã trực tiếp đi thị sát tình hình tại khu vực đê biển Đồng Châu. Thời điểm này trên địa bàn có mưa to, gió mạnh.
8h00:
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3. Cuộc họp được kết nối với Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đã báo cáo Phó Thủ tướng về những tác động về gió mạnh, mưa lớn và những nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công tác dự báo đang sát với thực tế.
"Bây giờ là lúc chúng ta cần phải có đánh giá thật chính xác diễn biến của cơn bão, thời gian đổ bộ vào đất liền và vùng nguy hiểm. Tôi yêu cầu các Đài Khí tượng thủy văn khu vực cần duy trì dự báo cập nhật hơn nữa, những thông tin này rất có ý nghĩa trong công tác phòng, chống bão", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão là rất rộng và mang lượng mưa dự báo lên đến 500mm nên các cơ quan dự báo về tài nguyên nước, hải văn cần tăng tốc độ dự báo từ 3 giờ/ bản tin lên 2 giờ hoặc 1 giờ/ bản tin.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, từ thực tế tình hình ở các địa phương báo về, cơn bão này rất mạnh, rất nguy hiểm và đã gây ra một số thiệt hại lớn nên đề nghị các bộ ngành liên quan và địa phương tăng cường cảnh giác, tập trung phòng, chống bão.
7h50:
Tại đảo Trần, huyện Cô Tô, Quảng Ninh đã có mưa to gió lớn.
Tại Thanh Hóa, hiện tại trời mưa phùn, gió nhẹ. Người dân ở biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) nhận định, trước giờ bão đổ bộ mà sóng lặng thì rất có thể bão vào sẽ rất mạnh.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, chính quyền địa phương đã khuyến cáo mọi người không ra đường.
7h30:
Tại huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) xuất hiện mưa nhỏ, gió giật nhẹ. Trên các tuyến đường chạy từ đê Bình Minh 2 ra khu vực đầm tôm, nuôi hàu của người dân, lực lượng chức năng túc trực 24/24h để ngăn người dân ra khu vực nguy hiểm.
Theo ghi nhận tại vùng ven biển Kim Sơn, nhiều nhà dân dùng bao cát, bì nước để gia cố mái nhà.
Tại Nam Định, khu vực trung tâm TP Nam Định có mưa, gió mạnh. Đường phố vắng người qua lại, các cửa hàng đóng cửa.
Ở khu vực các huyện ven biển, người dân đã chủ động cắt, tỉa cây xanh xung quanh nhà. Một số hộ dân giáp biển, nhà lợp bằng mái tôn đã gia cố bằng cách dùng bao nước, bao cát xếp trên mái.
7h00:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vỹ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 9.
Hồi 7h ngày 07/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Tại Hải Phòng, công tác phòng chống bão vẫn đang gấp rút thực hiện.
Dưới đây là một số hình ảnh cuộc sống người dân TP Hải Phòng trước giờ bão số 3 đổ bộ:
6h30:
Tại Hà Nội, nhiều khu vực bắt đầu có mưa, gió cũng đã mạnh thêm. Trên đường vắng bóng xe cộ, người đi lại.
6h00:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 160km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Trong 3 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã có gió to kèm mưa, các phương tiện hạn chế ra ngoài.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh Thái (Chủ tịch UBND xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) cho biết, từ đêm và rạng sáng trên đảo Thanh Lân đã có gió to và mưa lớn.
Ngay trong đêm qua, gần 300 người dân ở những nhà không kiên cố đã được các lực lượng của xã vận động, di dời về các khách sạn, khu tránh trú an toàn trên địa bàn.
“Do diễn biến bão số 3 phức tạp nên năm nay vận động di dời cả những hộ dân ở nhà mái ngói, lợp tôn, Fibro xi măng sang nhà kiên cố mái bằng, khu tránh trú an toàn”, bà Thái cho biết.
Lúc 6h13, gió và mưa dần to thêm trên đảo Thanh Lân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ 19h ngày 6/9 đến 5h ngày 7/9, Bắc Bộ đã có mưa 10-40mm, một số trạm mưa lớn hơn: Mù Cang Chải (Yên Bái) 59mm; Cao Răm (Hòa Bình) 53mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 50mm. Đối với 5 tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có mưa nhỏ dưới 10mm.
Lực lượng chức năng đã sơ tán 47.151 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 734 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu/220.805 người để chủ động tránh trú; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.
Hiện còn 458.000ha lúa mùa khu vực Đồng bằng sông Hồng đang trỗ, chín sáp, phân hóa đòng.
5h00:
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4h hôm nay (7/9), vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) cách khoảng 180km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Đến 16h hôm nay, bão số 3 trên đất liền phía Đông Bắc Bộ, mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Đêm 6/9, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ra khỏi khu tập thể cũ A7, phường Tân Mai để ứng phó với bão số 3 Yagi.
Chiều 6/9, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai thông tin, 2 đoàn công tác của Trung ương đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão Yagi (bão số 3) tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định, Thái Bình.
Trong đó, đoàn số 1 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn, đi kiểm tra, chỉ đạo tại tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng. Đoàn số 2 do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đi kiểm tra, chỉ đạo tại tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17h30 ngày 6/9, đã huy động 457.469 người ứng phó với bão Yagi. Trong đó, có lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đồng thời, lực lượng quân đội cũng huy động 10.124 phương tiện (403 xe đặc chủng, 4.773 ô tô, 4.942 tàu thuyền, 6 máy bay) sẵn sàng ứng phó bão.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo 35 tỉnh, thành phố chủ động ứng phó bão số 3, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Hình ảnh siêu bão Yagi tấn công Trung Quốc 
Một ngân hàng tạm ngừng giao dịch ngày 7/9 do ảnh hưởng của siêu bão Yagi