Bất chấp lệnh cấm vận, một nửa doanh số của các nhà sản xuất thiết bị chip Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc
Điều này được cảnh báo sẽ mang lại rủi ro cho ngành công nghiệp chip Mỹ trong dài hạn, vì Trung Quốc có thể sử dụng nguồn cung cấp thiết bị để phát triển ngành chip nội địa.
Các nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ  ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc bất chấp các hạn chế xuất khẩu của Washington đối với các sản phẩm tiên tiến. Những nhà sản xuất này đang tăng cường xuất khẩu máy móc được Trung Quốc sử dụng để tạo ra chip truyền thống .
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc chiếm 43% doanh số của tập đoàn Applied Materials trong giai đoạn từ tháng 2 - 4, tăng 22 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần của Trung Quốc tại Lam Research cũng tăng 20 điểm lên 42% trong 3 tháng đầu năm 2024. Điều này dường như đi ngược lại kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Washington nhắm vào quốc gia châu Á này.
Nỗ lực của Mỹ
Vào năm 2022, Chính phủ Mỹ đã hạn chế vận chuyển thiết bị sản xuất chip dùng cho chip bán dẫn tiên tiến, nhằm kiềm chế những nỗ lực của Bắc Kinh trong lĩnh vực này. Thiết bị dành cho các sản phẩm cấp hàng hóa không nằm trong phạm vi hạn chế.
Tại sự kiện ngành công nghiệp chip Semicon West, được tổ chức tại San Francisco (Mỹ) vào hôm 11/7, các quan chức cấp cao của Chính phủ nước này khen ngợi sự thành công của một chính sách khác - đạo luật Chips và Khoa học.
Được ban hành vào năm 2022, đạo luật này cung cấp khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip trong nước của Mỹ, thúc đẩy các nhà sản xuất chip công bố nhiều kế hoạch đầu tư lớn.
Trong bài phát biểu hôm 9/7, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Laurie Locascio đã liệt kê tên của các công ty quyết định đầu tư vào Mỹ, bao gồm Intel, Samsung Electronics và TSMC.
Bà cho biết, sự tăng trưởng này sẽ không thể xảy ra nếu không có đạo luật Chips và nói thêm rằng Bộ Thương mại đã làm việc cả ngày lẫn đêm để đưa chương trình đi đúng hướng trong vòng chưa đầy 2 năm.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn cũng được hưởng lợi vì việc cung cấp thiết bị là điều cần thiết để khởi động các nhà máy chế tạo chip. Doanh số bán hàng tại Mỹ chiếm 15% tổng doanh số của Applied Materials vào năm 2023, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu
Nhưng bất chấp những nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng ở Mỹ, các nhà sản xuất thiết bị vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thị trường hàng đầu.
Một CEO của một nhà sản xuất thiết bị lớn cho hay: “Nếu không có hạn chế, thị phần kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc sẽ còn cao hơn. Các công ty đang chứng kiến doanh số bán hàng của họ tại đây tăng vọt chỉ nhờ vào thiết bị thông thường”.
Hiệp hội Các nhà sản xuất bán dẫn thế giới (SEMI) vào đầu tuần thông báo rằng doanh số bán thiết bị sản xuất chip toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,4% lên 109 tỷ USD vào năm 2024.
Trong đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm hơn 30% con số trên, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu với tư cách là thị trường lớn nhất.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mỹ Jose Fernandez khẳng định Mỹ có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Ông lưu ý, mặc dù Mỹ sẽ điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng mục đích của họ không phải là tách rời 2 nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự gia tăng xuất khẩu thiết bị không tiên tiến sang Trung Quốc cũng đặt ra rủi ro cho Mỹ, do việc cung cấp bất kỳ loại sản phẩm nào đều có thể hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc phát triển.
Được biết Bắc Kinh đã đặt ra một chính sách quốc gia nhằm thiết lập chuỗi cung ứng chip của riêng mình, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ trong dài hạn.
Theo Nikkei Asia