Tại tỉnh Bình Dương, do công tác quản lý chưa chặt chẽ và hiệu quả nên vẫn còn tình trạng phân lô bán nền tràn lan từ đó gây ra các tình trạng cơn sốt ảo giá đất, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Nạn phân lô
Sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bình Dương được coi là một thị trường bất động sản sôi động hàng đầu cả nước. Nhờ những lợi thế từ vị trí là thành phố vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, phát triển mạnh các khu công nghiệp, thu hút lao động nhập cư, thị trường bất động sản Bình Dương tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng dự án cũng như giá bán. Khi quỹ đất phát triển dự án mới tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm, Bình Dương trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Xu hướng dịch chuyển dòng tiền từ TP. Hồ Chí Minh ra các đô thị vệ tinh khiến thị trường bất động sản Bình Dương sôi động suốt những năm qua, đặc biệt là trong 3 năm gần đây trong đó các khu vực sôi động nhất phải kể đến như TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một và Thị xã Tân Uyên. Những thay đổi về hạ tầng cũng như quy hoạch cũng góp phần “chắp cánh” cho bất động sản Bình Dương phát triển, thu hút nhà đầu tư địa phương và các tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, lợi dụng giá đất đang tăng cao mà nhiều người đã tiến hành phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
Ghi nhận thực tế tại khu vực Tổ 5, khu phố Tân Mỹ và khu phố Ba Đình của phường Thái Hòa, Thị xã Tân Uyên có nhiều khu đất đang được trồng rau muống đã bị phân thành hàng chục lô đất nền với diện tích từ 50 – 75m2 và rao bán mỗi lô hơn 1 tỷ đồng.
Cũng với tình trạng tương tự, một khu đất khác tại phố Tân Mỹ đã được phân thành 13 lô đất nhỏ có diện tích từ 66-99m2/lô. Phía trước mặt các lô đất đã được làm đường sỏi nhỏ, một số đoạn đã được đổ bê tông. Thậm chí có nhiều người còn lợi dụng việc tách thửa để phục vụ việc phân chia di sản thừa kế.
Siết lại quy định tách thửa
UBND tỉnh Bình Dương vừa thông tin Dự thảo Quy định "Điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất ở Bình Dương".
Theo đó, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp là 300m2 tại các phường, 500m2 ở thị trấn và 1.000m2 ở các xã.
Đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là lập chung các địa phương, diện tích tối thiểu được tách là 1.000m2 ở các phường, 2.000m2 tại thị trấn và 3.000m2 tại các xã. Phương án 2, quy định theo từng đặc thù của các địa phương khác nhau.
Ở phương án 2, các địa phương còn nhiều đất nông nghiệp như các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo là 2.000m2 ở thị trấn và 3.000m2 ở các xã; các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và Bến Cát diện tích tối thiểu được tách là 300m2 tại phường, 1.000m2 tại xã.
Dự thảo cũng bổ sung thêm các quy định điều kiện được tách thửa, như: Đối với trường hợp tách thửa đất ở, tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp... thì tối thiểu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện là tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý và tuyến cấp điện đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện trên cơ sở căn cứ điều kiện thực tế hoặc kế hoạch đầu tư trung hạn để xem xét, giải quyết tách thửa.
Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý, đảm bảo có bề rộng mặt tiền tối thiểu 4m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có bề rộng chỉ giới đường đỏ <19m. Đảm bảo có bề rộng mặt tiền tối thiểu 5m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥19m.
UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập hợp các ý kiến người dân và xem xét đưa ra Quyết định mới về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đất. Đây cũng là cơ sở để các địa phương trong tỉnh áp dụng, chấn chỉnh lại tình trạng phân lô bán nền tràn lan.
BĐS sẽ bước vào 'vận hội mới': Đúng và trúng nhu cầu thị trường 
Một quận của Hà Nội sắp đấu giá nhiều thửa đất, giá khởi điểm từ 12 tỷ đồng