Thế giới

Bất ngờ: Panama đưa ra loạt nhượng bộ quan trọng với Mỹ, cân nhắc chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc

Thanh Lê 06/02/2025 - 09:17

Ông Mulino mới đây đã có nhiều động thái để “xoa dịu” Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Panama, Jose Raul Mulino mới đây đã yêu cầu siết chặt kiểm soát các tuyến đường di cư và tuyên bố Panama là "biên giới phía Nam mới" của Mỹ.

z6289696325559_f5d76b8f75f71bf4dbd952bc5c870890.jpg
Ông Mulino bất ngờ trở thành nhân vật trung tâm trong những ngày đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi ông Donald Trump yêu cầu điều mà Panama không thể nhượng bộ: quyền kiểm soát Kênh đào Panama.

Chỉ trong vài tuần, cựu nhà ngoại giao 65 tuổi đã phải xoay sở để vừa làm vừa lòng Mỹ, vừa bảo vệ tài sản quý giá nhất của quốc gia.

Các nhượng bộ mà ông Mulino đưa ra cho đến nay bao gồm hủy bỏ một thỏa thuận với Trung Quốc và cho phép tàu hải quân Mỹ đi qua kênh đào miễn phí. Bước đi tiếp theo có thể là chấm dứt hợp đồng với Hutchison Ports PPC, công ty có trụ sở tại Hồng Kông, đang vận hành 2 khu vực bốc dỡ hàng gần kênh đào.

Động thái này không chỉ giúp xoa dịu mối lo của ông Trump về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tuyến giao thương quan trọng mà còn chứng minh với người dân Panama rằng ông Mulino sẽ không nhượng bộ về biểu tượng niềm tự hào dân tộc, ngay cả khi đối mặt với những đe dọa quân sự.

Đây cũng là mô hình để các nhà lãnh đạo toàn cầu học hỏi khi đối phó với những yêu sách bất ngờ của ông Trump về chủ quyền.

Cuộc đấu trí với ông Trump

"Ông ấy đã quyết định rõ ràng rằng sẽ không từ bỏ chủ quyền kênh đào, nhưng phải thực hiện hành động ngoại giao mang tính biểu tượng, thậm chí đưa ra vài quyết định khó khăn để bảo vệ điều đó", John Feeley, cựu đại sứ Mỹ tại Panama, người từ chức trong nhiệm kỳ đầu của Trump do bất đồng quan điểm, nhận định. "Mulino đủ khôn ngoan để hiểu rằng không có lợi khi thách thức Trump, vì vậy ông ấy phải tìm cách lách qua những yêu cầu đó."

Ông Mulino bất ngờ trở thành nhân vật trung tâm trong những ngày đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump. Trong khi Mexico, Trung Quốc và Canada đã chuẩn bị sẵn tinh thần trước các đe dọa về thuế quan, thì việc ông Trump đề cập đến việc giành lại kênh đào đến một cách bất ngờ. Điều này khiến Mulino rơi vào tình thế phải chứng tỏ bản lĩnh, dù ông mới nắm quyền chưa đầy một năm.

Thậm chí sự hiện diện của ông Mulino trong cuộc tranh chấp này cũng khá bất ngờ. Dù có kinh nghiệm chính trị sâu rộng ở Panama, ông chỉ nổi lên trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua sau khi cựu Tổng thống Ricardo Martinelli bị kết án tham nhũng và bị cấm tranh cử, đẩy ông Mulino từ vai trò ứng viên liên danh lên vị trí dẫn đầu.

Là một chính trị gia bảo thủ thân thiện với giới đầu tư và có phong cách tương đồng với Trump, ông Mulino từng được kỳ vọng sẽ có khởi đầu thuận lợi với tân Tổng thống Mỹ. Năm ngoái, ông đã chỉ trích vụ bê bối "Hồ sơ Panama" và các cuộc điều tra về rửa tiền toàn cầu là một "trò lừa đảo quốc tế" nhằm bôi nhọ đất nước ông.

Mối đe dọa đối với kênh đào Panama

Ngay khi nhậm chức, ông Mulino đã ký thỏa thuận với chính quyền Biden nhằm đẩy nhanh việc trục xuất người di cư. Đến tháng 12, khi Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, số lượng người vượt qua khu vực Darien Gap, tuyến đường nguy hiểm từ Nam Mỹ đến Mỹ, đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm.

z6289696306357_05bdc004cb2cb70db80e0a423d9a6218.jpg
Ông Trump yêu cầu Panama giảm phí vận chuyển hoặc trả lại kênh đào

Thế nhưng, thay vì công nhận Mulino là một đối tác, ông Trump lại nhắm vào kênh đào, công trình mà Mỹ đồng ý xây dựng vào năm 1903 khi ký hiệp ước đảm bảo Panama độc lập khỏi Colombia để đổi lấy quyền vận hành vĩnh viễn tuyến đường thủy này.

Đến giữa thế kỷ XX, quyền kiểm soát của Mỹ đã trở thành nguồn cơn căng thẳng khu vực, dẫn đến việc Tổng thống Jimmy Carter đồng ý trao trả kênh đào cho Panama vào năm 1999. Kể từ đó, kênh đào đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Panama, đóng góp gần 5 tỷ USD trong năm tài khóa 2024 – tương đương khoảng 4% GDP của quốc gia này.

Tuy nhiên, ông Trump từ lâu đã coi quyết định của cựu Tổng thống Carter là một sai lầm. Theo cựu đại sứ Feeley, ông Trump từng gọi đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ". Cụ thể, ông Trump muốn Panama giảm chi phí cho các tàu Mỹ qua lại.

Theo MSN

>> Chuyên gia: Có quá nhiều thứ để mất, Trung Quốc dè dặt đối phó với ông Trump

Ông Trump đe dọa dùng ‘biện pháp mạnh’: Vị thế đặc biệt của kênh đào Panama

Ông Trump tuyên bố sẵn sàng ‘dùng vũ lực’ để giành lấy Greenland và kênh đào Panama

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bat-ngo-panama-dua-ra-loat-nhuong-bo-quan-trong-voi-my-can-nhac-cham-dut-hop-tac-voi-doanh-nghiep-trung-quoc-136176.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bất ngờ: Panama đưa ra loạt nhượng bộ quan trọng với Mỹ, cân nhắc chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH