Thế giới

Bầu cử Mỹ: Bước ngoặt cho dòng tiền viện trợ hàng trăm tỷ USD đổ vào Ukraine

Đăng Đức 06/11/2024 07:30

Kết quả bầu cử sẽ có tác động rất lớn đến dòng tiền viện trợ mà Mỹ và các đồng minh phương Tây dành cho Ukraine.

Nín thở chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Cả thế giới đang dõi theo sự kiện nước Mỹ bầu ra vị Tổng thống tiếp theo. Tuy nhiên, theo CNBC, đối với Ukraine, kết quả bầu cử sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn khi mà cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 có thể quyết định liệu Mỹ có tiếp tục viện trợ cho nước này hay không.

Bầu cử Mỹ: Bước ngoặt cho dòng tiền viện trợ hàng trăm tỷ USD đổ vào Ukraine - ảnh 1
Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra hiệu trong một cuộc vận động tranh cử với ứng cử viên Phó Tổng thống là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ J.D. Vance tại St. Cloud, Minnesota, Mỹ ngày 27/7/2024 - Ảnh: Carlos Osorio/Reuters

Đối với Kyiv, vấn đề lớn là họ sẽ tiếp tục nhận được bao nhiêu sự hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính sau khi lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden, người đã tại nhiệm ghế Tổng thống Mỹ trong suốt cuộc xung đột quân sự của Nga ở Ukraine, rời nhiệm sở.

>> Nhóm đứng sau vụ bạo loạn tại Capitol Hill lại trỗi dậy, đe dọa nổi loạn nếu ông Trump thua cử

Sau gần 3 năm giao tranh, không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng mệt mỏi về tài chính đang xuất hiện ở những nước ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đặc biệt là Mỹ, mặc dù Nhà Trắng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn liên tục thể hiện sự ủng hộ công khai đối với chính quyền Kyiv.

Dư luận đã đồng ý quan điểm rộng rãi rằng chính quyền Mỹ nếu ông Trump đắc cử lần thứ 2 và những người của đảng Cộng hòa có quan điểm cứng rắn sẽ có chính sách thù địch hơn nhiều đối với việc cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, ngay cả một chính quyền thân thiện với Kyiv dưới thời bà Kamala Harris, người đã cam kết tiếp tục hỗ trợ quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này, cũng có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lập pháp Hoa Kỳ cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.

Các quan chức ở Kyiv cho biết cuộc bầu cử tại Mỹ đang được theo dõi chặt chẽ, trong bối cảnh lo ngại viện trợ trong tương lai có thể bị cắt giảm.

“Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng đây là một trong những kịch bản có thể gây bất lợi lớn cho Ukraine”, quan chức cấp cao của nước này, ông Yuriy Sak nói với trang tin CNBC tuần trước.

“Nhưng về phần mình, chúng tôi sẽ làm mọi cách để tiếp tục thuyết phục các đối tác tại Mỹ duy trì nguồn tài trợ và hỗ trợ ở mức như cũ, vì lựa chọn thay thế sẽ không tốt cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Mỹ”, ông nói thêm.

Ukraine dựa vào các đối tác quốc tế về quân sự, nhân đạo và tài chính cần thiết để duy trì hoạt động kinh tế của đất nước và duy trì khả năng quân sự để chống lại lực lượng Nga cố thủ ở miền Nam Ukraine và lực lượng đang tiến dần vào khu vực Donbas ở phía Đông đất nước.

>> Ông Trump tuyên bố sẽ chấp nhận thất bại nếu cuộc bầu cử 'công bằng'

Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nơi được coi là một trong những đơn vị theo dõi đáng tin cậy nhất về viện trợ nước ngoài cho Ukraine, tính toán rằng Mỹ đã chi gần 108 tỷ USD cho viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 đến ngày 31/8 năm nay, trong khi các quốc gia và tổ chức thành viên EU (như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Ủy ban Châu Âu) đã chi tổng cộng 161,11 tỷ euro (175,47 tỷ USD cho các khoản viện trợ như vậy.)

Khả năng cạn kiệt nguồn tài trợ

Sự hào phóng của Mỹ đối với Ukraine ngày càng trở nên khó thuyết phục các nhà lập pháp Hoa Kỳ, với nhiều tháng trì hoãn và phản đối từ những thành viên đảng Cộng hòa cứng rắn về gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cuối cùng đã được thông qua vào mùa xuân.

Một yếu tố quan trọng đối với Ukraine là liệu đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa có chiếm ưu thế tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử hay không, một yếu tố quyết định mức độ quyền lực mà Tổng thống tương lai nắm giữ và mức độ mà người đó có thể hỗ trợ - hoặc cản trở - Ukraine về mặt tài chính.

Tỷ phú Donald Trump đã ám chỉ mạnh mẽ rằng ông sẽ cắt viện trợ quân sự cho Kyiv, sau khi tuyên bố rằng ông sẽ dừng chiến tranh trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử, nhưng ông cũng không cung cấp thêm chi tiết về cách mà mình sẽ làm. Các nhà phân tích cho biết có khả năng ứng cử viên của đảng Cộng hòa coi việc chặn tài trợ là một cách để buộc phải dừng cuộc chiến dai dẳng giữa Nga và Ukraine.

Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, việc ông Trump ngay lập tức cắt nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ là một kịch bản cực đoan, nhưng lại là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra đối với một chính trị gia nổi tiếng khó đoán như ông.

Trong khi chiến thắng của bà Harris trong cuộc bầu cử sẽ là sự nhẹ nhõm cho Kyiv, vì bà đã cam kết mạnh mẽ rằng chính quyền của mình sẽ hỗ trợ Ukraine “cho đến chừng nào còn cần thiết”, cả vị nữ chính trị gia gốc Ấn Độ và Washington đều chưa bao giờ định nghĩa rõ ràng ý nghĩa chính xác của tuyên bố này, hay hình dung chiến thắng của Ukraine sẽ như thế nào, hoặc liệu viện trợ của Mỹ có giới hạn hay không.

Trong tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, các quan chức phương Tây được cho là đã nói rằng chính quyền của bà Harris có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy khoản viện trợ đáng kể cho Ukraine thông qua Quốc hội .

Hãng tin CNBC cho biết họ đã liên hệ với nhóm vận động tranh cử của cả bà Harris và ông Trump.

Dùng chính tài sản của Nga để viện trợ cho Ukraine?

Các nhà lãnh đạo của Nhóm Các nước Công nghiệp phát triển (G7) đã tìm kiếm khoản viện trợ ngắn hạncho Ukraine trước cuộc bầu cử ngày 5/11, và họ đồng ý vào cuối tháng 10 rằng khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine được bảo đảm bằng tài sản bị đóng băng của Nga .

G7 cho biết họ sẽ bắt đầu giải ngân trước khi kết thúc năm nay, về cơ bản là trước khi bất kỳ chính quyền mới nào của Mỹ có thể hủy bỏ thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ cắt giảm tài trợ cho Ukraine vào năm 2025, châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm hỗ trợ Kyiv trong tương lai, khiến vấn đề hóc búa là tiếp tục sử dụng số tiền thu được từ nguồn tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga - phần lớn trong số đó được nắm giữ ở châu Âu - trở thành điểm cấp bách.

Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management, cho biết trong các bình luận qua email vào tháng trước: “Hiện tại, 50 tỷ USD (được G7 nhất trí) nghe có vẻ là một số tiền lớn nhưng nó chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine trong 3-4 tháng”.

Ông Ash là một trong những người thúc đẩy việc tịch thu và phân bổ khoảng 330 tỷ USD tài sản của Nga bị tịch thu cho Ukraine để giúp nước này tiếp tục chống trả lại Nga. Chiến lược gia này cũng đã lưu ý đến sự phản kháng từ một số quốc gia EU lo ngại Nga sẽ trả đũa động thái như vậy. Một số nước có nhiều điều phải lo sợ hơn những quốc gia khác; hiện tại, khoảng 191 tỷ USD trong tổng số tài sản bị tịch thu của Nga được lưu giữ tại kho lưu ký chứng khoán Trung ương của Bỉ, Euroclear.

Bầu cử Mỹ: Bước ngoặt cho dòng tiền viện trợ hàng trăm tỷ USD đổ vào Ukraine - ảnh 2
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khi họ gặp nhau tại Văn phòng nghi lễ của Phó Tổng thống tại Tòa nhà Văn phòng điều hành Eisenhower trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington, Mỹ ngày 26/9/2024 - Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters

Ash cho biết ông sẽ thúc giục bất kỳ chính quyền Mỹ nào trong tương lai nếu ông Trump tái đắc cử gây sức ép với EU “để giải phóng toàn bộ 330 tỷ USD tài sản cho Ukraine”.

“Sau đó, Ukraine có thể tự tài trợ cho quốc phòng và sự phục hồi của mình”, ông nói, đồng thời cho biết đất nước này thậm chí có thể cam kết chi một phần lớn số tiền đó để mua thiết bị quốc phòng tại Mỹ.

“Số tiền 150 tỷ USD chi tiêu tại Hoa Kỳ trong 10 năm được cho là khoản mua sắm quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó sẽ giúp người nộp thuế Hoa Kỳ tiết kiệm được tiền viết séc cho Ukraine, đảm bảo hàng nghìn việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng tại Hoa Kỳ, giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến và xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình trước cuộc tấn công của Nga trong tương lai và tất cả đều được tài trợ bởi kẻ phát động cuộc chiến – nước Nga”, ông Ash gợi ý.

Một tương lai bấp bênh

Bất kể kết quả bầu cử Mỹ ra sao, các nhà phân tích đều đồng ý rằng Ukraine đang phải đối mặt với tương lai bấp bênh trong bối cảnh sự ủng hộ và tài trợ của phương Tây ngày càng giảm sút.

Tim Willasey-Wilsey, cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một nhóm nghiên cứu quốc phòng, nhận xét rằng “mối nguy hiểm trước mắt” đối với chính quyền của ông Zelensky đến từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

“Cuộc bầu cử Tổng thống lần này tại Hoa Kỳ sẽ đại diện cho vấn đề nguy hiểm tối đa. Một chiến thắng của Donald Trump có thể khiến ông gọi điện ngay cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm nhất là vào ngày 6/11. Bất kỳ cuộc gọi nào như vậy sẽ đặt ra kỳ vọng về một giải pháp đàm phán, với các cuộc thảo luận có thể bắt đầu vào những tháng đầu năm 2025”, ông Willasey-Wilsey nói.

Trong bất kỳ thỏa thuận nào như vậy, ông Willasey-Wilsey cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ khó có thể đảm bảo việc thu hồi bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng và khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine, hoặc nhận được khoản bồi thường cho thiệt hại to lớn đối với đất nước của ông. Cũng có khả năng một giải pháp đàm phán sẽ quy định rằng các quan chức Nga không bị đưa ra xét xử vì những cáo buộc về tội ác chiến tranh.

Một đòn giáng mạnh hơn có thể là thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt mục tiêu tối thượng của Ukraine - tư cách thành viên NATO trong tương lai.

Theo CNBC

>> Nhóm đứng sau vụ bạo loạn tại Capitol Hill lại trỗi dậy, đe dọa nổi loạn nếu ông Trump thua cử

Quê hương của tỷ phú Warren Buffett có thể khiến ông Trump thua cuộc

Ông Trump có thể lặp lại chiến thắng bằng cách tập hợp cử tri lao động?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bau-cu-my-buoc-ngoat-cho-dong-tien-vien-tro-hang-tram-ty-usd-do-vao-ukraine-129704.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bầu cử Mỹ: Bước ngoặt cho dòng tiền viện trợ hàng trăm tỷ USD đổ vào Ukraine
    POWERED BY ONECMS & INTECH