OPEC+ khẳng định hoàn toàn độc lập trong các chính sách và không hề có sự can thiệp từ bên ngoài.
OPEC+ khẳng định hoàn toàn độc lập trong các chính sách và không hề có sự can thiệp từ bên ngoài. Thông tin này được đưa ra sau những đồn đoán về các quyết định điều chỉnh sản lượng dầu của OPEC+.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hoàn toàn độc lập trong các chính sách và không hề có sự can thiệp từ bên ngoài vào các quyết định của liên minh này.
Trên đây là tuyên bố mà Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) Abdulaziz bin Salman đưa ra ngày 14/1 sau những đồn đoán về các quyết định của OPEC+, vốn có tác động lớn tới thị trường dầu mỏ thế giới.
Bộ trưởng Abdulaziz nhấn mạnh các chính sách của OPEC+ đã thành công trong việc duy trì và đảm bảo nguồn cung cho thị trường dầu mỏ bất cứ khi nào cần thiết. Điều này cho thấy trách nhiệm và sự cẩn trọng của liên minh dầu mỏ này trước các thách thức trên thị trường năng lượng.
Thậm chí, những quyết định của OPEC+ còn đi ngược lại sức ép từ một số quốc gia như Mỹ, vốn mong muốn OPEC+ tăng nhanh sản lượng “vàng đen” để đối phó với tình trạng giá dầu leo thang.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 4/1, OPEC+ đã nhất trí không thay đổi chính sách sản lượng dầu mỏ, theo đó các thành viên liên minh này sẽ cam kết duy trì lộ trình tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2.
Trong động thái liên quan, Bộ trưởng Abdulaziz cũng lên tiếng kêu gọi thế giới cần linh hoạt hơn vì quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch là "phức tạp".
Trên cơ sở đó, Saudi Arabia sẽ phát triển chương trình hạt nhân để tận dụng các nguồn tài nguyên urani của quốc gia Vùng Vịnh này.
Nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cho biết họ muốn khai thác công nghệ hạt nhân và đa dạng hóa cán cân năng lượng quốc gia. Bộ trưởng Abdulaziz khẳng định Saudi Arabia sẽ minh bạch chính sách năng lượng và sẵn sàng phối hợp cùng các đối tác quốc tế.
Chuyên gia: Giảm giá xăng 50%, ông Trump sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái kinh tế ‘tàn khốc’