Ngay sau thay đổi cơ cấu cổ đông, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) bất ngờ công bố đơn từ nhiệm của 4 lãnh đạo cao cấp, trong đó có vị trí Tổng Giám đốc.
Ngày 8/1, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - HoSE: OGC ) nhận được đơn từ nhiệm đồng loạt của 4 lãnh đạo cấp cao gồm: bà Phạm Thị Hồng Nhung, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; bà Trần Thị Ngọc Bích, thành viên độc lập HĐQT; bà Nguyễn Thị Thanh Hường, thành viên HĐQT; ông Phạm Trung Hiếu, trưởng Ban Kiểm soát.
Căn cứ theo Điều lệ công ty, đơn từ nhiệm của bà Phạm Thị Hồng Nhung, bà Trần Thị Ngọc Bích, bà Nguyễn Thị Thanh Hường, ông Phạm Trung Hiếu được chấp thuận kể từ ngày 8/1 và sẽ được báo cáo tại kỳ Đại hội đồng cổ đông gần nhất của công ty để thông qua việc miễn nhiệm.
Cùng ngày, OGC bổ nhiệm ông Phạm Hùng Việt giữ chức vụ Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Đại Dương.
Ocean Group từng rơi vào khủng hoảng khi nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm (cũng là Chủ tịch OceanBank) vướng vòng lao lý. |
Biến động trong cơ cấu cổ đông
Ngày 29/12/2023, CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam đã mua thành công 51,7 triệu cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương. Sau giao dịch, công ty trên nắm giữ 17,24% vốn tại OGC.
Được biết, Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam chỉ vừa mới thành lập vào ngày 25/12/2023 hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Công ty có trụ sở chính đặt tại Tòa nhà VNT Tower, 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Phan Thành Long, sinh năm 1992.
Trước đó tại OGC cũng mới xuất hiện một cổ đông lớn với tuổi đời rất trẻ tương tự Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam trong tháng 12/2023 là CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt.
Theo đó, Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt mua hơn 27 triệu cổ phiếu OGC và đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 9,02% vốn. Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt mới thành lập ngày 1/12/2023, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Đinh Thị Nhi (sinh năm 1994).
Điều đáng chú ý, Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt và CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam có cùng địa chỉ.
Việc OGC xuất hiện liên tục 2 cổ đông lớn mới toanh trong bối cảnh cổ phiếu này đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC tại ngày 30/9/2023 âm 2.595 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu thì đang dưới mệnh giá.
Theo OGC, để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, công ty sẽ tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi là bất động sản, thực hiện tái cơ cấu toàn diện các khoản đầu tư, tài sản hiện có và thực hiện các phương án tái khởi động một số dự án bất động sản trong thời gian sắp tới để tạo động lực tăng trưởng trong các năm tiếp theo. OGC cũng cho biết sẽ từng bước giảm dần các khoản lỗ lũy kế trên BCTC.
OGC là tổ hợp kinh doanh đa ngành, công ty từng có giai đoạn tăng trưởng tốt trước khi rơi vào khủng hoảng sau vụ nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm (cũng là Chủ tịch OceanBank) vướng vào lao lý năm 2014.
Do đó, năm 2014, OGC lỗ ròng hơn 2.211 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 2.214 tỷ đồng và vẫn kéo dài cho đến hiện tại chưa khắc phục xong.
>> Lộ đại gia đứng sau nhảy vào Tập đoàn Đại Dương qua công ty 7 ngày tuổi
REE đầu tư vào nhà máy điện mặt trời quy mô nghìn tỷ dính nhiều sai phạm ở Đắk Nông 
HPG: Gia cầm Hòa Phát về đích trước kế hoạch 2 năm, ra mắt sản phẩm mới