Biệt thự 200m2 của đại gia buôn lụa nức tiếng Hà Nội xưa, được trả trăm tỷ đồng nhưng chủ nhân quyết không bán
Sau 70 năm, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn được lối kiến trúc xưa và mang đậm dấu ấn của thời gian.
Nằm nép mình trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà số 72 của gia đình ông Thái An vẫn giữ nguyên nét kiến trúc  cổ xưa sau hàng chục năm.
Ông Nguyễn Thái An là con trai trưởng của một gia đình địa chủ giàu có tại Hà Nội. Cha ông, cụ Nguyễn Văn Lợi, là nhà buôn tơ lụa nức tiếng khắp Hà thành, trong khi mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hồng, được mệnh danh là giai nhân với nhan sắc “nghiêng nước, nghiêng thành” thuở ấy.
Ông Nguyễn Thái An cho biết, ngôi nhà được bố mẹ ông mua lại từ những năm 1940 để mở cửa hiệu kinh doanh tơ lụa và quần áo.
Theo đó, bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương lái đầu tiên kinh doanh và mở tiệm vải lớn bậc nhất trên phố Hàng Đào. Nhờ tài kinh doanh giỏi, gia đình ông nhanh chóng nổi danh khắp Hà Nội và trở thành một trong những địa chủ giàu có, sở hữu căn nhà mặt phố 3 tầng to nhất phố Hàng Đào.
“Lúc bố mẹ tôi mua ngôi nhà này thì đây vẫn chỉ là nhà mái ngói, không giống như bây giờ. Sau đó, gia đình tôi thuê kiến trúc sư người Pháp, thiết kế lại toàn bộ không gian. Mất khoảng vài năm căn nhà mới được xây dựng xong”, ông An chia sẻ thêm.
Năm 1946, ngôi nhà được hoàn thiện, cụ Nguyễn Văn Lợi cùng vợ và 12 người con chuyển về đây sinh sống, đồng thời tiếp tục kinh doanh tơ lụa và quần áo. Khi ấy, ông An còn rất nhỏ, chỉ khoảng 3-4 tuổi, song những ký ức về quãng thời gian này vẫn in đậm trong tâm trí ông.
Trải qua hàng chục năm, căn nhà số 72 của gia đình ông Thái An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Bố mẹ ông đã thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng căn nhà theo đúng ý nguyện của mình.
Ngôi nhà rộng 200m2, gồm 3 tầng với 12 phòng. Toàn bộ tầng 1 từng là cửa hiệu buôn bán tơ lụa của gia đình, trong khi các phòng còn lại được bố trí thành không gian sinh hoạt chung và phòng riêng cho 12 anh chị em.
Lối kiến trúc đối xứng kiểu Pháp với cầu thang lộ thiên giúp không gian ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Đây chính là chi tiết khiến ông Thái An tự hào nhất. Dù không trực tiếp chứng kiến quá trình xây dựng, ông cho biết theo lời kể của cha mẹ, những viên gạch lát sàn được đặt mua từ Paris (Pháp). Đến nay, chúng vẫn còn nguyên vẹn và gia đình chưa có ý định thay thế.
Hệ thống giếng trời là điểm nhấn nổi bật của căn nhà, mang đến một không gian thoáng đãng giữa lòng Hà Nội ngày càng đông đúc, vội vã. Giếng trời không chỉ giúp điều hòa không khí mà còn tạo nên vẻ thanh bình cho biệt thự cổ.
Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh của ngôi nhà được thiết kế khép kín và hiện đại bậc nhất trong thời kỳ đó. Ông An tự hào chia sẻ: “Vào những năm 1940 - 1950, nhiều nhà còn phải dùng nhà vệ sinh công cộng hoặc đi vệ sinh theo lối cũ, thì nhà tôi đã có hệ thống nhà vệ sinh khép kín, mỗi tầng 1 nhà vệ sinh, sạch sẽ, hiện đại nhất thời bấy giờ”. Bên cạnh đó, ngôi nhà cũng sử dụng nước sạch từ đường ống nước của Pháp xây dựng, thay vì sử dụng nước giếng khoan.
Cho đến nay, sau 70 năm, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn được lối kiến trúc xưa và mang đậm dấu ấn của thời gian. Ông Thái An luôn mong muốn giữ nguyên vẹn những chi tiết xưa cũ, kể cả màu sơn đã nhuốm rêu phong ông vẫn kiên quyết không sơn lại. Với ông, căn nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là kho ký ức về tuổi trẻ, về nếp sống gia giáo của người Hà Nội xưa – một giá trị mà ít ai còn lưu giữ trọn vẹn.
Ông Thái An cũng chia sẻ từng có rất nhiều đại gia  tới hỏi mua căn nhà với mức giá lên tới trăm tỷ đồng nhưng ông nhất định không bán: “Có thể cuộc sống tại đây đông đúc, chật chội, nhiều người không thích, nhưng với tôi, ngôi nhà này còn hơn cả tri kỷ. Nó là kỷ vật của bố mẹ tôi để lại, tôi quyết không bao giờ rời xa nó và không bao giờ bán”.
>> Cận cảnh căn biệt phủ 1.000m2 toàn gỗ quý, sửng sốt nhất là 'kho báu' trầm hương bạc tỷ