Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển

19-07-2023 06:41|Thuỳ Linh

Bình Dương tiếp tục triển khai các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

6 tháng đầu năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,77% so với cùng kỳ.

Nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, có thể thấy sự nỗ lực cao độ để vượt qua khó khăn. Đặc biệt, các ngành sản xuất mặt hàng gỗ, dệt may, da giày do chịu nhiều tác động tiêu cực của thị trường thế giới, tình hình xuất khẩu chậm lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp luôn nỗ lực duy trì sản xuất cùng với việc định vị lại giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa, chuẩn bị điều kiện cần và đủ để tồn tại và lớn mạnh.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ trì phiên họp

Kết quả khảo sát 413 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy: Xu hướng tổng quan dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo quý 3/2023 so với quý 2/2023: Có 26,4% dự báo tình hình SXKD quý 3/2023 sẽ tốt hơn quý 2/2023; 38,5% dự báo tình hình SXKD quý 3/2023 ổn định như quý 2/2023; 35,1% dự báo tình hình SXKD quý 3/2023 khó khăn hơn quý 2/2023.

Dự báo số lượng đơn hàng mới của ngành chế biến chế tạo trong quý 3/2023, tính chung toàn ngành: Có 24,4% dự báo có số đơn hàng mới tăng lên so với quý 2/2023; 38,3% dự báo có số đơn hàng mới ổn định như số đơn hàng doanh nghiệp thực hiện trong quý 2/2023; 37,3% dự báo có số đơn hàng mới tiếp tục giảm đi so với quý 2/2023.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, tình hình khó khăn về sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Hiện sức mua của các thị trường lớn trên thế giới và thị trường trong nước đều giảm. Hầu hết các doanh nghiệp tại Bình Dương mong được hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại để kích cầu sức mua. Doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm những đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, chờ cơ hội để phục hồi.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ tham mưu tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối thị trường… Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Bình Dương quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay...  Sở Công Thương luôn theo dõi và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình sản xuất và phát triển, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ban hành quy chế phối hợp hoạt động, phân công thành các nhóm phụ trách địa bàn các huyện, thị, thành phố và theo các khu, cụm công nghiệp nhằm chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Sản xuất gỗ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bắc Tân Uyên).

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong những tháng cuối năm, tỉnh tập trung tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa...

Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành sớm dự báo, nhận định tình hình những tháng cuối năm, quán triệt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa… Đồng thời, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2023 để có giải pháp phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.

Becamex IDC (BCM) liên minh cùng doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc kiến tạo các siêu dự án đô thị

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, khi lĩnh lương Chủ tịch IPPG đã không chở bà Thủy Tiên đi dạo biển mà đến một nơi cực kỳ đặc biệt

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/binh-duong-nhieu-giai-phap-ho-tro-san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-phat-trien-247683.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển
    POWERED BY ONECMS & INTECH