Bộ 3 cổ phiếu nhóm FPT vào sóng tăng giá?
Sau khi thị trường giảm 55 điểm ngày 18/8, 3 cổ phiếu nhóm FPT đã tăng lần lượt 14%, 22% và 23% - vượt trội so với nhịp hồi 4% của VN-Index.
Sau nhịp điều chỉnh mạnh hồi giữa tháng 8, thị trường chứng khoán thăng bằng trở lại trong gần 2 tuần giao dịch cuối tháng; VN-Index vượt mốc 1.200 và đóng tuần tại mức 1.224 điểm.
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc mạnh kéo cả trăm mã cổ phiếu hồi phục. Nổi bật trong số này có nhóm cổ phiếu họ "FPT".
Kết phiên 31/8, cổ phiếu FPT  của Tập đoàn FPT (sàn HOSE) tăng 0,1% lên 96.700 đồng/cp qua đó tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử 16 năm niêm yết. Đây cũng là cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm VN30 chiến thắng thị trường, thậm chí ngay cả khi VN-Index giảm 55 điểm phiên 18/8.
Cổ phiếu khác là FRT  của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (sàn HOSE) tăng 0,2% lên mức 83.500 đồng/cp (vượt kháng cự quanh mốc 80.000 đồng). Đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu bán lẻ này kể từ nửa cuối tháng 6/2022.
Mã còn lại là FTS  của CTCP Chứng khoán FPT (sàn HOSE) cũng trở thành điểm đến của dòng tiền trong gần 2 tuần trở lại đây. Kể từ thời điểm giảm về vùng hỗ trợ MA100 (mức 28.900 đồng) trong phiên 22/8, FTS có nhịp tăng mạnh 5/6 phiên kế đó và đóng cửa tháng tại mức 37.700 đồng/cp (cao nhất 16 tháng).
Tính từ sau phiên 18/8, cổ phiếu FPT, FRT và FTS lần lượt ghi nhận mức tăng 14%, 22% và 23% - vượt trội so với nhịp hồi 4% của VN-Index.
Câu chuyện đầu tư:
Với CTCP FPT, động lực tăng giá gần nhất có lẽ đến từ câu chuyện chia cổ tức của ông lớn công nghệ này ngày 12/9 tới. Theo đó, Tập đoàn sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Số tiền chi dự kiến khoảng 1.270 tỷ đồng.
Kế đó, là tin đồn xoay quanh việc FPT muốn phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại giá 140.000 đồng/cp. Ngay sau đó, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc đã lên tiếng xác nhận việc đây là thông tin không chính xác.
Động lực khác và cốt lõi nhất là bức tranh tăng trưởng kinh doanh ấn tượng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn.
Cụ thể sau nửa đầu năm, Tập đoàn FPT đạt 24.166 tỷ đồng doanh thu - tăng 21,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 3.665 tỷ đồng - tăng 18,2% YoY. Đây cũng là doanh nghiệp VN30 hiếm hoi duy trì được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dương qua các năm trở lại đây.
Với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, cổ phiếu này hiện không đứng ngoài sóng hồi ngành bán lẻ, nơi các cổ phiếu như DGW, PNJ, MWG, HAX, PET đang có nhịp tăng tích cực tỏng gần 2 tuần trở lại đây.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu tâm là việc doanh nghiệp bán lẻ này đã báo lỗ sau thuế gần 213 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 trong khi cùng kỳ lãi 216 tỷ; công ty đạt doanh thu gần 15.000 tỷ đồng - tăng 950 tỷ so với bán niên 2022.
Ghi nhận tại báo cáo soát xét, tại thời điểm 30/6, công ty đang ghi nhận khoản nợ phải trả 7.400 tỷ đồng trong đó vay nợ ngắn hạn 4.217 tỷ - gấp gần 2,4 lần vốn chủ sở hữu. Đầu tháng 8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) cũng đã bổ sung FRT vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán FPT lại là doanh nghiệp đem đến cho nhà đầu tư nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023 khi thị trường chứng khoán hồi phục, thanh khoản trở lại ngưỡng trên tỷ USD giúp gia tăng nguồn thu từ kênh môi giới, cho vay margin và đầu tư dự doanh.
Thêm vào đó, không chỉ riêng FTS, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang tăng theo kỳ vọng về việc vận hành hệ thống giao dịch KRX trong nửa cuối quý 4 tới có thể giúp dòng tiền trên thị trường quay vòng nhanh hơn hiện tại.
Quý 2 vừa qua, Chứng khoán FPT báo lãi sau thuế 140 tỷ đồng - gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước và cùng là mức cao nhất 5 quý. Công ty cũng thực hiện được 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Xu hướng dòng tiền:
Quan sát bộ 3 cổ phiếu nhà FPT, có thể thấy FPT là mã đang được dòng tiền cá mập giao dịch mạnh nhất trong 1 tháng qua. Nhóm tiềm này cũng ghi nhận gia tăng vị thế ở cổ phiếu FRT và mạnh hơn nữa ở FTS trong gần 2 tuần qua.
Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 93.000 - 106.x đồng/cp. Tuy nhiên, trước mắt, cổ phiếu nhà Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đang xuất hiện tín hiệu phân phối đỉnh với thanh khoản giảm mạnh về dưới mức trung bình 20 phiên. RSI ở ngưỡng 85 điểm và vận động trong vùng quá mua.
Trong khi đó, FRT đang có triển vọng hướng trở lại kháng cự cũ tháng 6/2022 quanh vùng 88.x - 89.x đồng/cp. Nếu vượt ngưỡng cản này, khả năng cổ phiếu bán lẻ này trở lại đỉnh cũ giữa tháng 4/2022 là hoàn toàn có khả năng.
Tuy nhiên cũng giống FPT, yếu tố thanh khoản cũng là điều nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý trước khi vào lệnh ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, cổ phiếu FTS với việc mở gap tăng 6,3% trong phiên cuối tuần qua đã chính thức vượt cản vùng 33.x - 35.x đồng. Kháng cự gần nhất của mã có thể xuất hiện sau khi vượt mốc 40.000 đồng/cp (giá cũ tháng 4/2022).
Nhà đầu tư được khuyến nghị canh vị thế bán một phần ở giai đoạn này nhằm tối ưu lợi nhuận.
Xem thêm: Hàng chục cổ phiếu “chạy khoẻ”, VN-Index tăng 4 tháng liên tiếp
FPT đồng hành cùng Bộ Tư pháp Việt Nam gửi tặng 25 bộ máy tính cho Bộ Tư pháp Lào 
Xu hướng già hóa dân số tại Nhật Bản 'mở đường' cho dự án chiến lược của FPT