Bộ Công Thương: Địa phương chịu trách nhiệm chọn dự án điện mặt trời, điện gió
Trình Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cho rằng, việc lựa chọn dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ sẽ do địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo bộ này, các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ được phân bổ tổng công suất tới từng địa phương, không tính toán cụ thể tới từng dự án nguồn điện.
“Việc lựa chọn dự án cụ thể (quy mô công suất, vị trí, phương án đấu nối,... ) sẽ do địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm”, tờ trình nêu.
Bộ Công Thương giải thích, lý do các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và rác, thủy điện nhỏ không phân đến cấp độ dự án là bởi thiếu các cơ sở để xếp hạng dự án ưu tiên. Trong đó, có 2 tiêu chí quan trọng chưa xác định được gồm: tình trạng pháp lý của dự án, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác; giá điện và hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án.
Tại tờ trình, Bộ Công Thương cũng nêu một số khó khăn xử lý các dự án điện mặt trời đã được cấp chủ trương đầu tư và đã có chủ đầu tư.
Quyết định số 500/QĐ-TTg có giao nhiệm vụ: “Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định khác có liên quan, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý”.
Tuy nhiên, Viện Năng lượng (đơn vị được Bộ Công Thương giao lập kế hoạch) báo cáo không có khả năng thực hiện yêu cầu này.
Theo thống kê, hiện có 23 dự án/phần dự án có quy mô công suất hơn 2.360 MW các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo tính toán cơ cấu nguồn điện của đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các dự án có khả năng đưa vào là 1.500 MW.
Ngoài ra, Viện Năng lượng cho rằng: Vì không có đủ thời gian, thông tin, số liệu, một số tiêu chí (quy định của pháp luật hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan...) chưa thể xác định được, vì vậy không đủ cơ sở để xác định rõ tiến độ của các dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư cũng như các dự án điện mặt trời mới.
Do đó, tư vấn lập kế hoạch đề xuất UBND các tỉnh tổng hợp xếp hạng dự án, báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm lựa chọn được các dự án để phát triển, đáp ứng các tiêu chí tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, đảm bảo tối ưu tổng thể theo Quy hoạch điện VIII.
Các nguồn điện lớn như nhà máy điện LNG, nhà máy điện khí trong nước, các nguồn nhiệt điện đốt than, thủy điện vừa và lớn,... có thời gian chuẩn bị đầu tư dài (2-3 năm), thời gian xây dựng lâu (3-4 năm).
Để xác định kế hoạch đưa vào vận hành trong giai đoạn ngắn hạn (2-3 năm) và trung hạn (5-7 năm), ngoài việc tính toán từ nhu cầu hệ thống, còn cần căn cứ vào tình hình triển khai thực tế.
Với điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho rằng: Hiện nay, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển Quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển, chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư... ). Vì thế, đề án thực hiện tính toán công suất phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 theo vùng.
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-25/10/2024 
Điểm mặt cổ phiếu dự kiến được hưởng lợi từ chính sách mới về điện mặt trời mái nhà