Bộ GTVT ‘vươn tay cứu giúp’ gần chục dự án BOT đang rơi vào cảnh thua lỗ
Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc cho các dự án BOT này.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với một số Bộ, ngành về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc cho một số dự án BOT giao thông, triển khai trước khi có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) .
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết trong tổng số 140 dự án BOT  giao thông được triển khai trước thời điểm Luật PPP ban hành, hiện có 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ gặp vướng mắc cần xử lý.
Các dự án này được chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1 gồm 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi (cầu Thái Hà và cầu Ba Vì - Việt Trì).
Nhóm 2 là dự án hầm đường bộ  qua Đèo Cả thu phí hoàn vốn qua trạm thu phí La Sơn - Túy Loan.
Nhóm 3 là 2 dự án đã hoàn thành không được thu phí (tuyến tránh TP. Thanh Hóa và cầu Bình Lợi); 2 dự án chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn Nhà nước, nhưng vẫn không khả thi (Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Cần Thơ và tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100); 1 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự (Quốc lộ 14 qua Đắk Lắk).
Dẫn tin từ tạp chí VnEconomy, Bộ GTVT cho biết đã đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, chia làm 3 nhóm.
Nhóm 1, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hơn 1.550 tỷ đồng cho hai dự án doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15-19% so với hợp đồng và dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%.
Nhóm 2, nhà nước hỗ trợ 2.280 tỷ đồng đối với dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Trước đây, nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan  thay cho nguồn hỗ trợ của nhà nước, song sau đó nhà đầu tư không được thu phí.
Nhóm 3, nhà nước bố trí thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ báo Tiền Phong, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng để xây dựng phương án chia sẻ rủi ro phù hợp với từng giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với Cục Đường cao tốc Việt Nam và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình đàm phán, xây dựng phương án chia sẻ rủi ro đối với từng dự án.