Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tính lại mức tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Do ngân sách Trung ương khó khăn, nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tính toán lại mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 1/7 tới, lương hưu , trợ cấp BHXH sẽ tăng 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, trợ cấp xã hội lên 38,9%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nếu tăng theo mức đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt (7.430 tỷ đồng), vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm 2024.
Bộ Tài chính cho biết, ngân sách trung ương khó khăn, tiền bố trí cho tăng lương hưu và các khoản trợ cấp hạn chế trong khi một số địa phương dư nguồn lực lớn cho cải cách tiền lương.
Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần báo cáo cấp thẩm quyền cho phép dùng nguồn tích lũy của trung ương và tiền còn dư của địa phương sau cải cách tiền lương để chi cho các chính sách này.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Nếu tăng lương hưu và trợ cấp BHXH quá thấp, người về hưu sẽ bị thiệt do lương tăng, trợ cấp tăng không bù được trượt giá.
Theo ông Lợi, cải cách tiền lương là quá trình tích lũy của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.
Vì sao số lao động nữ hưởng lương hưu cao hơn nam giới? 
Điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp khi cải cách tiền lương