Vĩ mô

Bỏ túi hơn 8 tỷ USD trong 10 tháng, ‘kho báu dưới nước’ của Việt Nam được các ông lớn thu mua, rộng đường vào xứ sở giàu có bậc nhất thế giới

Phúc Lam 09/11/2024 13:37

Sau 27 tháng, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã trở lại đạt 1 tỷ USD/tháng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và sản xuất thủy sản (VASEP), trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 11,4%.

Đặc biệt, chỉ tính riêng tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản của nước ta ước đạt hơn 1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 28%. Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã trở lại đạt 1 tỷ USD/tháng.

Theo VASEP, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng trong năm nay. Tính đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đã tăng 13%, đạt 3,2 tỷ USD; xuất khẩu cá tra tăng 10%, đạt gần 1,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm hải sản, cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh từ đầu năm. Riêng tháng 10/2024, xuất khẩu cua ghẹ và các giáp xác khác tăng 58%; nhuyễn thể có vỏ tăng vọt 138%. Lũy kế 10 tháng năm 2024, hai nhóm sản phẩm này tăng lần lượt 66% và 58% so với năm trước, đạt 267 triệu USD và 173 triệu USD.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc dù trong tháng 10/2024 có ghi nhận tăng trưởng dương nhưng có dấu hiệu chững lại so với nửa đầu năm.

Bỏ túi hơn 8 tỷ USD trong 10 tháng, ‘kho báu dưới nước’ của Việt Nam được các ông lớn thu mua, rộng đường vào xứ sở giàu có bậc nhất thế giới
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Về thị trường, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tính đến cuối tháng 10/2024. Theo VASEP, nếu đà tăng trưởng 20% trong 10 tháng năm 2024 của Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) được duy trì, quốc gia này có thể vượt Mỹ và trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, tại thị trường châu Âu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản tiếp tục hồi phục. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng 11%.

Đặc biệt, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có Dubai là một trong bảy tiểu vương quốc giàu có bậc nhất thế giới được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng.

Đáng chú ý, sắp tới, ưu đãi từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 22.000-24.000 tấn thủy sản với trị giá từ 50-70 triệu USD sang thị trường này.

Theo VASEP, UAE đã vươn lên đứng thứ 16 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta ra thế giới trong giai đoạn 2018-2022.

Tại thị trường này, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc,... và thị phần chưa lớn. Tuy nhiên, Hiệp định CEPA sẽ mở ra nhiều cơ hội, giúp thị phần tôm Việt Nam tăng trưởng tại UAE.

Ngoài ra, cá ngừ cũng là sản phẩm được UAE tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, vào năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang UAE bị sụt giảm nhưng sau đó đã tăng liên tục. Từ năm 2019-2023, xuất khẩu cá ngừ sang UAE tăng 139% trong 5 năm, từ 1,6 triệu USD lên gần 4 triệu USD.

Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang UAE chưa có sự bứt phá mạnh mẽ vì ảnh hưởng xu hướng giảm của thế giới nhưng các doanh nghiệp vẫn nắm bắt được cơ hội bán tôm, cá ở thị trường ngách UAE.

Để tăng tính cạnh tranh với các thị trường khác, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal; tích cực đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí trung gian và giá thành của sản phẩm;...

CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Hiệp định được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Hiệp định gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương. Trong đó, đáng chú ý, 2 bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam.

>>Huyện sắp có sân vận động với sức chứa gấp 1,5 lần sân vận động Mỹ Đình: Nỗ lực đón ‘đại bàng làm tổ’

Loài cây độc nhất chỉ có ở Việt Nam: Khi phát hiện khiến cả thế giới kinh ngạc, cần khẩn cấp bảo tồn

Việt Nam chi hơn 100 triệu USD nhập khẩu loại quả nguồn gốc đa số từ Trung Quốc, mức giá tại chợ đầu mối rẻ ngỡ ngàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-tui-hon-8-ty-usd-trong-10-thang-kho-bau-duoi-nuoc-cua-viet-nam-duoc-cac-ong-lon-thu-mua-rong-duong-vao-xu-so-giau-co-bac-nhat-the-gioi-259119.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bỏ túi hơn 8 tỷ USD trong 10 tháng, ‘kho báu dưới nước’ của Việt Nam được các ông lớn thu mua, rộng đường vào xứ sở giàu có bậc nhất thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH