Bội chi ngân sách nhà nước là 293 nghìn tỷ đồng, bằng 3,07% GDP
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 với đa số đại biểu tán thành.
Chiều 24/6, với 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, đó là, tổng số thu cân đối NSNN là hơn 2.713 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2021, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối NSNN là hơn 2.897 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023.
Qua đó, bội chi ngân sách nhà nước là 293 nghìn tỷ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 488 nghìn tỷ đồng.
Theo Nghị quyết, Quốc hội thống nhất bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 số tăng thu chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 15/11/2023.
Phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 3.102 tỷ đồng, bao gồm tăng thu ngân sách trung ương là 972 tỷ đồng và tăng thu ngân sách địa phương là 2.130 tỷ đồng.
Quốc hội họp chiều ngày 24/6, nguồn: Internet |
Trước đó, trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết:
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét lại công tác lập dự toán thu, chi NSNN chưa sát; công tác lập, thẩm định, giao dự toán, chuẩn bị đầu tư còn chậm và tổ chức thực hiện chi NSNN còn hạn chế.
Số quyết toán chi thường xuyên một số lĩnh vực chi quan trọng và chi đầu tư đạt tỷ lệ thấp; dẫn đến việc giảm bội chi NSNN không thực chất. Việc không thực hiện được dự toán chi NSNN để đưa nguồn lực vào nền kinh tế, gây lãng phí, giảm hiệu quả nguồn lực huy động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời điểm lập dự toán NSNN năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp.
Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2022 trình Quốc hội ở mức khá thận trọng để chủ động trong điều hành, dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương dành nguồn khá lớn dự kiến để xử lý các vấn đề phát sinh trong năm.
>>Giảm thu 10.800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước do giảm 2% thuế GTGT 
Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 như thế nào? 
TOÀN VĂN BÁO CÁO KTXH và NSNN của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV