Bùng nổ nguồn cung LNG toàn sầu trong tương lai: Ai sẽ hưởng lợi?
Sự gia tăng nguồn cung LNG chủ yếu đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Qatar, Úc, và Nga.
Thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu đang bước vào một giai đoạn bùng nổ nguồn cung chưa từng có từ năm 2027 trở đi. Theo kịch bản cơ bản, nó sẽ ngày càng trở nên dư cung vào cuối thập kỷ này, với nguồn cung dự kiến sẽ cao hơn nhu cầu 63 triệu tấn vào năm 2030, khi các dự án hóa lỏng mới được đưa vào vận hành. . Sự gia tăng mạnh mẽ này đặt ra câu hỏi quan trọng: Ai sẽ hưởng lợi từ đợt bùng nổ LNG này?
Phân tích của BNEF cho thấy nguồn cung sẽ cao hơn 20 triệu đến 36 triệu tấn so với kịch bản cơ sở trong giai đoạn 2025-2027 nếu các dự án hóa lỏng đang xây dựng tuân thủ các mốc thời gian ban đầu được công bố trong FID của họ. Nếu các dự án hiện đang được xây dựng tiếp tục bị trì hoãn từ 6 đến 12 tháng, nguồn cung từ 15 triệu đến 43 triệu tấn trong năm 2025-2026 có thể được chuyển sang những năm sau đó.

Sự gia tăng nguồn cung LNG chủ yếu đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Qatar, Úc, và Nga. Mỹ đang dẫn đầu đợt bùng nổ này với hàng loạt dự án LNG mới, điển hình là Plaquemines LNG (Venture Global), Golden Pass LNG (QatarEnergy & ExxonMobil), và Driftwood LNG (Tellurian). Đến năm 2030, xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ dự kiến sẽ vượt 200 triệu tấn mỗi năm (MTPA), củng cố vai trò dẫn đầu LNG toàn cầu của nước này.
Tiếp theo là Qatar khi quốc gia này đang mở rộng công suất xuất khẩu với dự án North Field East & South, dự kiến tăng công suất từ 77 MTPA lên 126 MTPA, nâng tổng sản lượng LNG lên 126 triệu tấn/năm vào năm 2027. Đất nước này vẫn là nhà sản xuất chi phí thấp, mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường LNG toàn cầu.
Hai nhà sản xuất LNG lớn là Úc và Nga cũng đang đẩy mạnh các dự án mới để duy trì vị thế trên thị trường. Úc tiếp tục mở rộng sản xuất LNG nhưng phải đối mặt với những rào cản pháp lý và sự phản đối về môi trường có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng. Nga đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu LNG, đặc biệt sang Trung Quốc và châu Á, nhưng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và hạn chế địa chính trị của phương Tây, khiến việc mở rộng trong tương lai trở nên không chắc chắn.
Tổng lượng cung mới từ các dự án này có thể khiến thị trường LNG toàn cầu dư thừa vào cuối thập kỷ này, đẩy giá LNG xuống thấp hơn so với giai đoạn 2021-2023.

>> 5 quốc gia sở hữu nhiều vàng nhất thế giới, top 1 khiến phần còn lại 'choáng váng' 
Tất nhiên việc này sẽ giúp cho nhiều bên được hưởng lợi. Đầu tiên, phải kể tới các nhà nhập khẩu lớn tại Châu Âu và Châu Á. Với nguồn cung tăng mạnh, các nhà nhập khẩu LNG lớn như Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ sẽ hưởng lợi trực tiếp từ giá LNG thấp hơn.
Đối với Châu Âu, sau khi cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG. Nguồn cung dồi dào sẽ giúp ổn định giá khí đốt và giảm chi phí năng lượng cho nền kinh tế khu vực. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tích cực gia tăng nhập khẩu LNG để phục vụ nhu cầu công nghiệp và phát triển năng lượng sạch. Giá LNG rẻ hơn sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ than sang khí, giúp giảm ô nhiễm.
Thứ hai, các công ty, ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt như hóa chất, thép, điện lực sẽ hưởng lợi lớn từ chi phí nguyên liệu giảm. Một số tập đoàn như BASF (Đức), Sinopec (Trung Quốc), Reliance Industries (Ấn Độ) có thể gia tăng lợi nhuận khi giá LNG giảm.
Và không thể không nhắc tới ngành vận tải LNG và đầu tư hạ tầng. Các công ty vận tải LNG như Flex LNG, GasLog, Golar LNG sẽ hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển LNG gia tăng. Hạ tầng lưu trữ và tái khí hóa cũng phát triển mạnh, đặc biệt tại châu Âu và Đông Nam Á. Các công ty Engie, Sempra Energy, Tokyo Gas có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần.
Không phải tất cả đều hưởng lợi từ nguồn cung LNG gia tăng, một số nhóm có thể chịu tác động tiêu cực. Các nhà sản xuất LNG có chi phí cao như Indonesia, Malaysia, Trinidad & Tobago có thể mất thị phần vào tay Mỹ và Qatar. Ngay cả Nga cũng có thể gặp khó khăn khi mở rộng xuất khẩu LNG do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Các công ty dầu khí truyền thống như Gazprom, Equinor có thể bị ảnh hưởng nếu LNG thay thế khí đốt đường ống tại châu Âu.
Đợt bùng nổ nguồn cung LNG toàn cầu sắp tới sẽ tái định hình thị trường năng lượng, mang lại lợi ích cho các nhà nhập khẩu lớn và doanh nghiệp tiêu thụ khí đốt, trong khi gây áp lực lên những nhà sản xuất LNG có chi phí cao.
Với xu hướng này, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến giá LNG, chính sách năng lượng toàn cầu, và xu hướng dịch chuyển cung-cầu để đưa ra chiến lược phù hợp.