Doanh nghiệp

Bước tiến mới cho kinh tế xanh: Việt Nam lần đầu tiên có hướng dẫn đo đếm carbon rừng

Giai Nhi 11/11/2024 - 08:57

Việt Nam hiện nằm trong nhóm đầu các nước về diện tích rừng ngập mặn với giá trị lớn trên thị trường carbon.

Tại hội thảo về đo lường carbon từ rừng ngập mặn do Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức sáng ngày 9/11, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thị thuộc Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Đại học Lâm nghiệp cho biết, tăng trưởng carbon trung bình hàng năm của rừng ngập mặn đạt 6,77 tấn/ha, tương đương với 24,8 tấn CO2, mang lại giá trị kinh tế tiềm năng từ 124 đến 248 USD.

Theo ông Thi, “tăng trưởng carbon” được hiểu là sự phát triển của các yếu tố gia tăng giá trị carbon của rừng ngập mặn về quy mô, diện tích và kích thước cây. Trong đó, cây Mắm có mức tăng trưởng carbon cao nhất, đạt 8,06 tấn/ha, tiếp đến là cây Bần với 6,93 tấn/ha và cây Đước đạt 5,32 tấn/ha.

Những kết quả này thu được từ dự án đo đếm triển khai tại ba xã thuộc Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trong khoảng thời gian ba năm từ 2022, thuộc khuôn khổ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long". Dự án do Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo tài trợ, thông qua tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam.

Ông Thị nhấn mạnh, kết quả này sẽ giúp các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kinh tế xanh nhận thức rõ hơn về giá trị môi trường của rừng ngập mặn. Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thẩm định và sử dụng kết quả này để xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về điều tra, đo đếm carbon rừng ngập mặn - tài liệu hướng dẫn chuyên ngành đầu tiên trên cả nước.

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, giá trị quy đổi carbon của mỗi loại rừng có sự khác biệt, trong đó rừng ngập mặn nằm trong nhóm có giá trị cao nhất. Ông Điển nhấn mạnh rằng carbon được xem là một loại tài sản mới của hệ sinh thái rừng và mang lại giá trị tiềm năng cho thị trường, tạo ra nguồn thu từ việc giảm phát thải hoặc tăng cường khả năng hấp thụ carbon của rừng.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha rừng ngập mặn, phân bố tại 28 tỉnh, thành phố, xếp trong nhóm các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, trong đó khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%.

Năm 2023, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương với 10,3 triệu tấn CO2, qua Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 5 USD/tấn, mang về nguồn thu 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

>> Trồng lúa lãi gần 5 tỷ đồng/năm, nông dân muốn làm lúa bán tín chỉ carbon

Quảng Ninh duyệt quy hoạch khu vực đảo thuộc Vân Đồn, định hướng thành trung tâm du lịch sinh thái mới

Thêm một ông lớn muốn 'đặt chân' vào dự án siêu cảng 50.000 tỷ tại Vũng Tàu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buoc-tien-moi-cho-kinh-te-xanh-viet-nam-lan-dau-tien-co-huong-dan-do-dem-carbon-rung-259312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bước tiến mới cho kinh tế xanh: Việt Nam lần đầu tiên có hướng dẫn đo đếm carbon rừng
    POWERED BY ONECMS & INTECH