Cả 1 quốc gia bị 'call margin': Khoản vay tỷ đô chao đảo vì giá dầu lao dốc, đất nước sản xuất triệu thùng dầu mỗi ngày ‘bơm’ gấp 200 triệu USD ứng cứu
Động thái này phản ánh áp lực tài chính ngày càng lớn mà quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này đang đối mặt, khi thị trường toàn cầu biến động mạnh sau loạt quyết sách bất ngờ từ Washington.
Chính phủ Angola cho biết họ đã sử dụng khoảng 200 triệu USD làm tài sản thế chấp bổ sung cho khoản vay trị giá 1 tỷ USD từ JPMorgan Chase & Co, sau khi trái phiếu bằng USD của nước này lao dốc cùng với giá dầu thô hồi đầu tuần.
Trước đó, trong tháng 12/2024 và tháng 1 năm nay, quốc gia miền Nam châu Phi này đã phát hành khoảng 2 tỷ USD trái phiếu để đảm bảo cho khoản vay từ JPMorgan.
Theo Bộ Tài chính Angola, khoản 200 triệu USD vừa chi ra nhằm đáp ứng yêu cầu ký quỹ (margin call) từ JPMorgan trong bối cảnh biến động thị trường khiến trái phiếu sụt giá.

“Bối cảnh hiện tại đã tác động đến thị trường hàng hóa và trái phiếu Chính phủ tại các thị trường mới nổi, bao gồm trái phiếu euro của Angola, và dẫn đến yêu cầu ký quỹ”, Bộ cho biết trong một tuyên bố qua email. “Angola đã hoàn thành nghĩa vụ đúng hạn và bằng tiền mặt”.
Trái phiếu bằng USD của Angola bị bán tháo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan diện rộng vào tuần trước, rồi lại tạm dừng một phần chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực. Động thái này khiến thị trường chao đảo và giá dầu lao dốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính mỗi khi giá dầu giảm 1 USD dưới mức trung bình 70 USD/thùng mà Chính phủ Angola dự toán cho năm 2025, ngân sách nước này sẽ mất khoảng 152 triệu USD doanh thu.
Dù thừa nhận tình hình hiện tại nhiều thách thức và cần thận trọng, Bộ Tài chính Angola khẳng định quỹ đạo nợ của nước này vẫn “ổn định và hướng đến sự bền vững”.
Angola hiện đang chờ điều kiện thị trường cải thiện trước khi phát hành trái phiếu euro đầu tiên sau 3 năm, ông Dorivaldo Teixeira – người đứng đầu đơn vị quản lý nợ quốc gia – cho hay.
Angola hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 châu Phi với công suất khoảng 1,55 triệu thùng/ngày. Tháng 12/2023, quốc gia này rời OPEC vì bất đồng về quota sản xuất dầu của khối.
>> 8 ông lớn tung quyết định sốc, giá dầu lao dốc không phanh giữa bão thuế quan
Dầu Mỹ sắp bị ‘cấm cửa’ khỏi Trung Quốc, quốc gia nào sẽ hưởng lợi?
Thuế Trump ‘giáng đòn’, các quỹ đầu cơ bị call margin lớn chưa từng có kể từ năm 2020