Các hãng ô tô Trung Quốc và Nhật Bản 'quyết chiến' ở thị trường lớn nhất Đông Nam Á
Các nhà sản xuất Trung Quốc đang thách thức sự thống trị của Nhật Bản tại thị trường Indonesia với xe điện giá cả phải chăng.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang cố gắng duy trì sự hiện diện của mình ở Indonesia  bằng cách tung ra những mẫu xe hybrid mới nhất.
Động thái diễn ra vào thời điểm ngày càng nhiều thương hiệu xe điện Trung Quốc cũng đang đổ bộ vào thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á .
Nikkei Asia đưa tin, Toyota Motor đã giới thiệu mẫu xe hybrid Prius mới nhất của mình vào ngày 17/7 trước thềm khai mạc Triển lãm Ô tô Quốc tế Gaikindo Indonesia, do Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia (Gaikindo) tổ chức.
Sự kiện có sự tham gia của 35 nhà sản xuất ô tô chính thức bắt đầu vào ngày 18/7 tại ngoại ô Jakarta (Indonesia) và kéo dài đến ngày 28/7.
Các mẫu xe mới - gồm hybrid thông thường và plug-in hybrid - sẽ được nhập khẩu từ Nhật Bản, với mẫu cũ có giá khoảng 698 triệu rupiah (hơn 1 tỷ đồng).
Hiroyuki Ueda, người đứng đầu đơn vị Toyota Indonesia, cho hay: “Công nghệ xe điện hybrid đã được chứng minh trên thị trường quốc tế”.
Ông Ueda nói thêm rằng khách hàng Indonesia của Toyota sẽ được hưởng các lợi ích của xe hybrid như tiết kiệm nhiên liệu hơn, "rất có lợi cho tình trạng giao thông đông đúc". Thủ đô của Indonesia là một trong những thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất thế giới.
Cùng ngày, Nissan Motor cũng thông báo ra mắt mẫu xe hybrid e-Power Serena mới nhất cho thị trường Indonesia.
Toshihiro Fujiki, Chủ tịch Nissan ASEAN và Thái Lan, khẳng định: “Sự ra mắt này thể hiện cam kết của Nissan trong việc cung cấp các công nghệ tiên tiến”. Mẫu xe mới được nhập khẩu từ Nhật Bản và có giá khoảng 640 triệu rupiah (khoảng 1 tỷ đồng).
Theo Nikkei Asia, Indonesia từ lâu đã là thị trường chính của các hãng ô tô Nhật Bản, nắm giữ hơn 90% thị phần. Trong đó, Toyota, bao gồm cả công ty con Daihatsu, chiếm hơn 50% doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2024, tiếp theo là Honda và Mitsubishi Motors.
Thương hiệu Trung Quốc lớn nhất là Wuling Motors, đứng thứ 9 với khoảng 3%.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gần đây đang cố gắng thâm nhập thị trường này bằng xe điện của họ, bao gồm cả việc đầu tư vào sản xuất địa phương.
Tháng 1 năm nay, 5 nhà sản xuất Trung Quốc, như BYD, đã gia nhập thị trường xe du lịch của Indonesia.
Để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060, Chính phủ Indonesia đang kêu gọi người dân chuyển sang xe điện, giúp tận dụng nguồn trữ lượng niken dồi dào của nước này - vốn là nguyên liệu chính cho pin xe điện.
Dù vậy, xe điện vẫn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng sạc. Indonesia hiện có khoảng 1.400 trạm sạc, ít hơn nhiều so với 68.000 trạm ở Mỹ và đặc biệt khan hiếm bên ngoài khu vực thành thị.
Trong một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Milieu Insight thực hiện tại Indonesia, 47% số người được hỏi cho biết “giá cao” là lý do khiến họ không mua xe điện và 42% cho rằng “có ít trạm sạc”.
Do đó, xe hybrid vẫn hấp dẫn người tiêu dùng địa phương. Theo dữ liệu của Gaikindo, doanh số bán xe hybrid trong nước đã tăng 5,2 lần lên khoảng 54.000 chiếc vào năm 2023, còn doanh số bán xe điện chạy pin tăng gần 70% lên khoảng 17.000 xe.
Bất chấp việc tích cực thúc đẩy các loại xe sạch hơn tại các triển lãm, ngành công nghiệp ô tô dự kiến sẽ gặp phải một năm đầy thách thức phía trước.
Gaikindo đặt mục tiêu doanh số 1,1 triệu chiếc vào năm 2024, tăng khoảng 10% so với năm 2023, nhưng các nhà phân tích cảnh báo về tác động của lãi suất cao đối với khoản vay mua ô tô.
"Doanh số bán trong phần còn lại của năm 2024 khó có khả năng tăng tốc đáng kể, vì chính sách tăng lãi suất vào tháng 4 và khả năng lãi suất vay mua ô tô vẫn ở mức cao trong năm nay do thanh khoản thị trường thắt chặt dần dần", cơ quan xếp hạng Fitch cho biết vào tháng 5.
Theo Nikkei Asia
>> BYD chính thức trình làng thị trường Việt Nam 3 mẫu xe điện: Mẫu đắt nhất có giá từ 1,19 tỷ đồng
Bất ngờ ‘nổ tung’ khi đang sạc: Xe điện Tesla bốc cháy dữ dội, chỉ còn sót lại khung 
EU chia rẽ sâu sắc về vấn đề đánh thuế xe điện Trung Quốc