Các nước quản lý thị trường vàng như thế nào?
Nhận thức được vai trò quan trọng của vàng đối với nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc xây dựng, phát triển cũng như ban hành nhiều quy định để quản lý hiệu quả thị trường kim loại quý này.
Các quốc gia Đông Nam Á quan tâm đến phát triển thị trường vàng
Singapore đang là trung tâm phân phối vàng cho Đông Nam Á. Mọi hoạt động kinh doanh vàng vật chất tại nước này đều chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Cục Thuế nội địa Singapore, trong khi Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore - SGX và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore điều hành các giao dịch vàng phi vật chất. Chính phủ Singapore đánh thuế 8% đối với mọi hoạt động kinh doanh vàng vật chất, tuy nhiên miễn thuế với các giao dịch vàng phi vật chất và dịch vụ xuất nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, Singapore đã gia tăng dự trữ vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đứng thứ ba trên thế giới về tổng lượng vàng mua vào trong 9 tháng đầu năm 2023, sau các ngân hàng T.Ư tại Trung Quốc và Ba Lan.
Cụ thể, MAS đã mua 4 tấn vàng trên các sàn giao dịch vàng được quản lý trong quý III/2023, nâng tổng lượng mua từ đầu năm 2023 lên 75 tấn.
Thái Lan hiện là quốc gia đứng đầu về dự trữ vàng ở Đông Nam Á với trữ lượng lên đến 244,2 tấn vào năm 2023. Chính phủ nước này ban hành nhiều quy định nhằm giữ thị trường vàng ổn định, phân công từng cơ quan cụ thể giám sát hoạt động đăng ký, kinh doanh, xuất và nhập khẩu vàng.
Bộ Thương mại Thái Lan thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh của các DN, cửa hàng vàng. Các tập đoàn muốn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu vàng phải đăng ký bổ sung với Cục Thuế và Cục Hải quan. Ngoài ra, để việc xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, những tập đoàn này cần phải trở thành thành viên của Hiệp hội Buôn bán vàng Thái Lan - một tổ chức có uy tín trong các cuộc đối thoại với Chính phủ Thái Lan.
Chính phủ Bangkok quy định giao dịch vàng phi vật chất được thực hiện bằng hình thức hợp đồng tương lai tại Sở Giao dịch tương lai Thái Lan, không đánh thuế đối với tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu vàng trang sức, vàng miếng.
Tại Malaysia, vàng không chỉ là một biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng, mà còn là một phần quan trọng của nền văn hóa và kinh tế. Nước này có khoảng 3.500 cửa hàng trang sức bán lẻ trên toàn quốc.
Hoạt động mua, bán vàng vật chất chịu sự giám sát của Bộ Thương mại và Cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính. Trong khi đó, hoạt động mua bán vàng phi vật chất được thực hiện dưới hình thức tài khoản đầu tư vàng và tích lũy vàng của các ngân hàng thương mại hàng đầu như Ngân hàng Muamalat, Ngân hàng Hồi giáo Affin, Nhà Tài chính Kuwait, Ngân hàng Al Rajhi, Maybank, CIMB và Public Bank. Chính phủ Malaysia không đánh thuế đối với hoạt động xuất, nhập khẩu vàng miếng hoặc đồ trang sức.
Thị trường vàng Đức phát triển trên cơ sở hoạt động giao dịch của các ngân hàng
Đức là quốc gia dự trữ vàng lớn thứ 2 trên thế giới, với khối lượng nắm giữ lên đến 3.381 tấn. Dù chịu sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng T.Ư Đức Bundesbank, nguồn vàng khổng lồ này không được cất giữ hoàn toàn trong nước mà được phân bổ ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Ngân hàng Pháp, Anh và Ngân hàng Dự trữ Liên Bang tại Mỹ. Đây cũng không phải là quốc gia chú trọng khai thác vàng khi phần lớn số vàng trong kho dự trữ đều đến từ hoạt động nhập khẩu hoặc tái chế.
Dù sở hữu một thị trường vàng rộng lớn với đa dạng các giao dịch, Đức lại không có bất kỳ một sàn giao dịch vàng vật chất tập trung nào. Không những vậy, giao dịch vàng tương lai tại quốc gia này vẫn còn tương đối hạn chế.
Thay vào đó, thị trường vàng Đức lại phát triển dựa trên nền tảng các giao dịch giữa các ngân hàng, nhà máy luyện vàng, các nhà bán buôn và phân phối vàng lớn trên toàn quốc cũng như các nhà bán lẻ kim loại quý nhỏ hơn trong khu vực và địa phương.
Các ngân hàng Đức đang giữ vai trò quan trọng đối với thị trường vàng nước này. Gần như mọi ngân hàng ở nền kinh tế số một châu Âu đều mua vàng từ các cơ sở đúc tiền, nhà máy luyện vàng như: Heraeus và các nhà bán buôn quốc tế như A-Mark và CNT và bán lại cho khách hàng của mình.
Chẳng hạn, các Landesbank thuộc quyền sở hữu của chính quyền các bang, như: Bayern LB, LBBW và Helaba bán vàng cho khách hàng, cũng như cho ngân hàng và nhà bán lẻ khác trên thị trường. Các Landesbank cũng bán vàng, chẳng hạn như vàng phế liệu, cho các nhà máy luyện vàng và xưởng đúc tiền.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại như: Commerzbank chủ yếu bán vàng cho khách hàng trên thị trường chung. Ngoài ra, các ngân hàng cũng thực hiện các giao dịch vàng với nhau.
điểm cần lưu ý nữa là những ngân hàng tham gia thị trường vàng Đức cũng có mối liên hệ với các quốc gia sử dụng tiếng Đức khác như Thụy Sĩ và Áo. Chẳng hạn, Bayern LB đang hoạt động ở các thị trường tại Thụy Sĩ và Áo. Commerzbank, Heraeus và Austria Mint cùng là chủ sở hữu bên ngoài của nhà máy luyện vàng Argor-Heraeus ở Thụy Sĩ. Heimerle + Meule có công ty con ở Áo. Pro Aurum có chi nhánh tại Thụy Sĩ và Áo.
Thụy Sĩ đặt ra quy định nghiêm ngặt đối với thị trường vàng
Là một trong những trung tâm buôn vàng lâu đời trên thế giới, Thụy Sĩ đặt ra các quy định về cấp phép, hoạt động kinh doanh kim loại quý này. Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Thụy Sĩ, với một lượng vàng đáng kể trên thế giới đi qua các nhà máy chế biến của Thụy Sĩ.
Hoạt động mua, bán vàng tại quốc gia châu Âu này được quy định trong Đạo luật Kiểm soát Kim loại Quý (PMCA). Luật này quy định Cơ quan Hải quan Liên bang Thụy Sĩ có trách nhiệm cấp phép cho các đại lý kim loại quý. Quá trình cấp phép bao gồm việc xem xét tình hình tài chính, quản lý và các biện pháp bảo đảm an ninh của đại lý.
PMCA yêu cầu các đại lý được cấp phép lưu giữ hồ sơ của tất cả các giao dịch, bao gồm danh tính của người mua và người bán, loại và số lượng kim loại quý có liên quan cũng như ngày giao dịch. Hồ sơ phải được lưu giữ ít nhất 10 năm và cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Cơ quan Hải quan Liên bang Thụy Sĩ chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ PMCA và tiến hành kiểm tra thường xuyên các đại lý được cấp phép. Cơ quan quản lý cũng giám sát việc xuất nhập khẩu vàng và các kim loại quý khác, đồng thời yêu cầu các đại lý được cấp phép báo cáo bất kỳ giao dịch đáng ngờ hoặc bất thường nào.
Là quốc gia sở hữu nhiều nhà máy luyện vàng lớn nhất thế giới, Thụy Sĩ đặt ra có các quy định nghiêm ngặt về cấp phép đối với các cơ sở này. Các nhà máy luyện vàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, an toàn và sức khỏe và phải tuân thủ luật lao động của Thụy Sĩ.
Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ chịu trách nhiệm cấp giấy phép cho các nhà máy luyện vàng sau khi thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Các nhà máy luyện vàng ở Thụy Sĩ phải tuân thủ các nguyên tắc tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm và bền vững. Điều này bao gồm việc bảo đảm rằng vàng mà họ xử lý không đến từ các khu vực xung đột và phải có nguồn gốc từ các nhà sản xuất có trách nhiệm, tôn trọng nhân quyền và tiêu chuẩn môi trường.