Cận cảnh âu tàu 650 tỷ đồng hiện đại nhất Việt Nam: Được điều khiển bằng hệ thống tự động, rút ngắn quãng đường từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây
Âu tàu với thiết kế hiện đại nhất Việt Nam khi đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian, thuận lợi cho giao thông vận tải đường thủy.
Năm 2016, CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 đã vận hành đưa vào sử dụng âu Rạch Chanh ở xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An sau 3 năm xây dựng.
Dự án được đầu tư từ vốn vay Ngân hàng thế giới - WB với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Âu tàu Rạch Chanh có thiết kế trung tâm điều khiển thiết bị công nghệ hiện đại với tổng chiều dài 140m, chiều rộng 19,5m, cửa đầu âu 14,6m. Một cầu vượt âu được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5m, khoang thông thuyền 6,5x30m, đảm bảo cho cả phương tiện thủy và bộ lưu thông. Ngoài ra phần đáy trái đáy phải âu tàu còn được bố trí một hành lang dẫn nước và van xả nước ở cửa âu.
Toàn bộ hệ thống âu tàu được điều khiển tự động bằng một tòa nhà trung tâm, có màn hình camera dám sát hai khu vực đầu âu. Đèn báo tín hiệu giao thông, hệ thống loa phóng thanh thông báo cho các phương tiện ra vào đúng khu vực cũng như việc điều hành nâng hạ âu.
Đặc biệt, hai bên âu có hai cửa nén, để cân bằng mực nước. Khi nước ở bên trong, ngoài chênh nhau cửa nén sẽ mở để mực nước cân bằng sau đó đóng van nước để không bị ảnh hưởng phá hỏng cửa chính.
Sau khi vào trong âu, các tàu, thuyền sẽ neo đậu để cân bằng mực nước giữa bên trong và ngoài rồi mới tiếp tục lưu thông ra khỏi âu. Âu tàu Rạch Chanh được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải  đường thủy, rút ngắn quãng đường 50km (khoảng 6-8 tiếng) di chuyển từ TP HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long .
Bên cạnh đó, âu tàu này còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười. Có hai tuyến đường thủy từ các tỉnh miền Tây đi TP HCM là tuyến số 1 (qua kênh Chợ Gạo, Tiền Giang) và tuyến số 2 (qua cống Rạch Chanh, TP Tân An).
Khi đèn tín hiệu trên hai đầu trụ của cửa âu tàu số 1, số 2 từ màu đỏ chuyển sang xanh thì cửa số 1 được kéo lên, nước từ thượng nguồn chảy vào khu vực bên trong âu. Khi mực nước cân bằng, các ghe tàu từ hướng miền Tây di chuyển vào khu vực neo đậu để chuẩn bị ra cửa số 2 đi TP HCM. Quy trình này sau đó được lặp lại để các ghe tàu từ hướng TP HCM đi các tỉnh miền Tây ra cửa số 1.
Có nhiều khung giờ cố định trong ngày để âu tàu mở cống. Bên cạnh đó, việc mở cống còn tuỳ thuộc vào mật độ tàu thuyền neo chờ. Có thời điểm, hàng chục tàu gỗ, tàu sắt… loại từ 10-100 tấn cùng neo đậu chờ mở cửa âu tàu để đi các tỉnh miền Tây.
Tuyến số 2 từ vùng tứ giác Long Xuyên qua Đồng Tháp Mười theo kênh Nguyễn Văn Tiếp, đến Thủ Thừa, Rạch Chanh, sông Vàm Cỏ Tây đi TP HCM. Tuyến này có chiều dài hơn 253km. Đây là tuyến đường thủy nhộn nhịp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ghe tàu chở nông sản, lúa gạo lên TP HCM và chở vật liệu xây dựng ngược lại.
Trung bình mỗi tháng có khoảng 1.100 phương tiện qua âu tàu, trong đó có các phương tiện tải trọng trên 1.000 tấn. Tính từ năm 2016 đến nay, âu tàu Rạch Chanh đã phục vụ cho khoảng hơn 93.000 lượt phương tiện.