Nam Định: Khai thông tuyến kênh nghìn tỷ
Kênh Nghĩa Hưng hơn 100 triệu USD tại tỉnh Nam Định đã chính thức được mở luồng đường thủy nội địa.
Công trình 3 trong 1
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-BGTVT công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy – sông Ninh Cơ) tại Nam Đình. Công trình có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, kênh Nghĩa Hưng là một trong những công trình giao thông phức hợp nhất (có các hạng mục giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thủy lợi).
Luồng đường thuỷ nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng gồm luồng đường thuỷ nội địa cấp đặc biệt dài 1,18km (điểm đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ, điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy, đều thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Công trình âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179m, rộng 17m, chiều dài hữu dụng 160m, cao trình đáy âu -7m, cao trình đỉnh âu 10,5m được xây dựng bằng bê tông cốt thép có thể cho phép phương tiện thủy có trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông.
Dự án xây dựng Kênh Nghĩa Hưng là một phần của Dự án WB6, được thực hiện trên địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nam Định cho ý kiến góp ý về việc đặt tên kênh đào được đầu tư hơn 100 triệu USD này. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Nam Định đã thống nhất đặt tên công trình là Kênh Nghĩa Hưng và đặt tên âu tàu trên kênh là Âu tàu Nghĩa Hưng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, cụm công trình sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, giảm khoảng cách vận chuyển hàng hoá khoảng 100km so với đường bộ, từ đó giảm gánh nặng cho đường bộ.
Thời gian tới, tỉnh Nam Định rất mong tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đầu tư thêm các công trình khác trên địa bàn. Nam Định cam kết sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp tạo điều kiện tối đa để triển khai các công trình, dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Sau khi kênh Nghĩa Hưng được công bố mở luồng, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vận hành, quản lý, khai thác hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Nam Định và huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ đơn vị vận hành, khai thác công trình.
Bước ngoặt cho vận tải thuỷ
Theo ông Trần Đỗ Liêm – Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam, kênh nối Đáy – Ninh Cơ (nay là kênh Nghĩa Hưng) là hạng mục đường thủy lớn thứ 2 được Chính phủ Việt Nam đầu tư. Hạng mục lớn nhất là công trình kênh thủy lợi Bắc – Hưng – Hải. Kỳ vọng kênh Đáy – Ninh Cơ sẽ làm giảm chi phí vận tải và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trên mạng lưới đường thủy của miền Bắc. Công trình cũng sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thuỷ nội địa trong bối cảnh cần nhiều hơn nữa các sáng kiến và hạ tầng để phát triển vận tải đa phương thức, tăng cường kết nối vùng, tối ưu hóa sử dụng và chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương.
Sau khi cụm công trình hoàn thành sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước đó. Đặc biệt, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng ở Ninh Bình. Cụ thể là giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều tàu chở container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Nam Định, giảm gánh nặng cho đường bộ.
Được biết, toàn bộ công trình được xây dựng bởi các kỹ sư trong nước, 90% thiết vị cũng tự sản xuất. Theo thiết kế, trên lưu vực của sông Đáy và sông Ninh Cơ, đơn vị thi công chọn ra điểm hẹp nhất với khoảng cách chỉ 1 km để đào kênh nối với chiều rộng khoảng 100m. Ở giữa có một âu tàu bằng bê tông cốt thép rộng 17m, dài 179m. Âu tàu này được thiết kế như một van đóng mở để ngăn cách 2 con sông vốn có mực nước và độ mặn chênh lệch nhau.
Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng Panama. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.
Cửa đóng xả phía sông Đáy nặng gần 80 tấn, được làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.
Cuối năm 2015, cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang của sông Ninh Cơ (Nam Định) thuộc dự án trên được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải đi qua cửa sông Ninh Cơ dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, cửa sông Đáy phía Ninh Bình bị bồi lắng thường xuyên, khó cải tạo để tàu lớn ra vào.
Để phát huy hiệu quả của dự án cải tạo cửa Lạch Giang, cần đào kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ giúp cho tàu có trọng tải 3.000 tấn đi sâu vào đất liền, vào cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc. Do đó, WB và Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định bổ sung vốn ODA để thực hiện cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 107 triệu USD.
Thủ tướng quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ ở Nam Định 
Việt Nam chính thức có thêm khu kinh tế gần 14.000ha