Tái cấu trúc liên minh vận tải: Cảng Nam Đình Vũ của Gemadept (GMD) có thể đánh mất thị phần?
Từ tháng 2/2025, thị trường vận tải container đường biển toàn cầu sẽ hình thành 4 nhóm đối thủ chính, bao gồm 3 liên minh lớn và hãng tàu độc lập MSC.
Năm 2025, ngành cảng biển quốc tế sẽ đối mặt với những thay đổi lớn khi các liên minh vận tải biển hàng đầu tái cấu trúc, hứa hẹn tạo nên sự dịch chuyển đáng kể trong luồng hàng hóa trên các tuyến đường hàng hải chính.
Bắt đầu từ tháng 2/2025, thị trường vận tải container đường biển toàn cầu sẽ hình thành 4 nhóm đối thủ chính, bao gồm 3 liên minh lớn và hãng tàu độc lập MSC. Theo đó, Maersk và Hapag-Lloyd sẽ hợp tác để thành lập liên minh mới mang tên Gemini, trong khi Hapag-Lloyd rời khỏi The Alliance, khiến liên minh này đổi tên thành Premier Alliance với 3 thành viên: ONE, Yang Ming và HMM. Ocean Alliance sẽ duy trì cơ cấu hiện tại, trong khi MSC tiếp tục hoạt động độc lập.
Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt |
Liên minh Gemini sẽ áp dụng mô hình vận hành Hub & Spoke (trục – nan hoa), giúp giảm số chân cảng cần ghé và tăng cường sử dụng tàu Feeder để vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ mở rộng khả năng kết nối mà còn tăng tính linh hoạt trong hoạt động khai thác đội tàu.
Trong khi đó, các liên minh khác sẽ tập trung phát triển mô hình kết nối cảng – cảng, tập trung vào 2 tuyến hàng hải quan trọng là châu Á – Bắc Mỹ và châu Á – châu Âu.
Ngành cảng biển Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ), việc tái cấu trúc liên minh sẽ mang lại lợi ích cho các cảng nước sâu tại Việt Nam, nhờ vào xu hướng mở rộng đội tàu kích thước lớn và gia tăng tần suất ghé cảng. Điều này có thể đưa các cảng biển của Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trên các tuyến hàng hải quan trọng.
Khu vực Hải Phòng dự kiến sẽ chứng kiến sự thay đổi về thị phần. Hãng tàu MSC và Maersk, 2 đối tác quan trọng của Cảng Hải Phòng (PHP ) và Hateco, sẽ gia tăng sử dụng dịch vụ tại bến số 3-4 và bến số 5-6 của cảng Lạch Huyện. Ngược lại, cảng Nam Đình Vũ (thuộc Gemadept) có thể chịu ảnh hưởng khi MSC chuyển các tuyến khai thác cố định về Lạch Huyện.
Vị trí cảng Nam Đình Vũ và cảng Lạch Huyện |
Viconship (VSC), một trong những cảng phục vụ Maersk, sẽ chịu tác động ít hơn do không phải cảng khai thác cố định.
Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, VDSC nhận định sự thay đổi liên minh sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến 2 cảng Gemalink (thuộc Gemadept ) và CMIT, nhờ sự hoán đổi vai trò giữa Hapag-Lloyd và MSC.
Xu hướng giá cước và triển vọng thuê tàu
Trên thị trường hàng hải quốc tế, giá cước vận tải biển được dự báo sẽ tiếp tục giảm do khả năng cung ứng vượt quá nhu cầu vận chuyển, cùng với áp lực cạnh tranh từ các liên minh trên các tuyến hàng hải chính.
Tuy nhiên, phân khúc thuê tàu định hạn được dự báo sẽ khởi sắc hơn nhờ nhu cầu gia tăng đối với tàu Feeder, phục vụ vận tải nội khu hoặc gom hàng. Các hãng tàu ưu tiên thuê tàu Feeder thay vì đầu tư tàu mới, bởi chi phí thuê thấp hơn đáng kể và phù hợp với tính chất mùa vụ.
Sự tái cấu trúc của các liên minh hãng tàu không chỉ định hình lại bản đồ hàng hải thế giới mà còn mở ra những cơ hội và thách thức mới cho các cảng biển Việt Nam. Việc thích ứng với những biến động này sẽ là yếu tố quyết định khả năng phát triển bền vững của ngành cảng biển trong tương lai.
>> Hoàn tất kế hoạch lợi nhuận năm, Gemadept (GMD) rục rịch chuẩn bị bước đệm cho 2 dự án trọng điểm