Liên danh hãng tàu hàng đầu thế giới đạt bước tiến mới vào siêu dự án cảng 113.000 tỷ đồng
Trong năm 2025, VIMC (MVN) sẽ phối hợp với thành viên của hãng tàu MSC để hoàn tất các thủ tục, sẵn sàng tham gia đầu tư vào dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Vào ngày 6/1/2025, tại Hội nghị tổng kết hoạt động, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (tên cũ Vinalines - mã MVN ) đã cập nhật về tình hình kinh doanh năm 2024 cũng như định hướng phát triển trong năm 2025.
Theo ban lãnh đạo, trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường vận tải biển không ổn định do tác động của xung đột địa chính trị và cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ. Cạnh tranh trong lĩnh vực cảng biển cũng trở nên khốc liệt hơn với sự ra đời của nhiều cảng tư nhân mới, sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ và cơ chế linh hoạt.
Dù vậy, VIMC vẫn duy trì đà tăng trưởng và đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong nhiều năm. Sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 145 triệu tấn, tương đương 126% so với cùng kỳ và 117% so với kế hoạch năm.
Kết quả này đã giúp doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng (doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 35% kế hoạch). Lợi nhuận của VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023 và vượt 28% kế hoạch. Mức lương bình quân của người lao động đạt 18,2 triệu đồng/tháng, với công ty mẹ là 25,1 triệu đồng/tháng, vượt 9% so với kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu và lợi nhuận là nhờ vào việc tái cấu trúc đội tàu. Mặc dù năng lực đội tàu bị suy giảm, nhưng VIMC đã tăng cường thuê tàu ngoài để vượt qua khó khăn và duy trì sản lượng vận tải biển vượt kế hoạch. Cùng với đó, VIMC Lines mở rộng hoạt động và phát triển các tuyến dịch vụ kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia.
Trong lĩnh vực cảng biển, VIMC triển khai các giải pháp để duy trì và tăng trưởng thị phần, phát triển thêm 10 tuyến dịch vụ container mới tới các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn... Sản lượng cảng biển của doanh nghiệp năm 2024 tăng 26% so với cùng kỳ, đặc biệt là các tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp với các cảng biển tại châu Âu và Mỹ.
Các dự án trọng điểm của VIMC cũng được đẩy mạnh và đạt tiến độ như kế hoạch. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang hoàn thành các gói thầu và chuẩn bị đưa vào khai thác trong quý I/2025. Về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ , VIMC đã bổ sung hồ sơ và giải quyết cơ bản các thủ tục liên quan trong năm 2024. Sang năm 2025, doanh nghiệp sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng tham gia đầu tư.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ |
Được biết, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC và Terminal Investment Limited Holding S.A - TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư với tổng vốn khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD).
Dự án được quy hoạch với diện tích 571ha nằm tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047, bằng 50% sản lượng Singapore hiện nay.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, Phó Thủ tướng đang cân nhắc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Sau khi được thông qua, thành phố sẽ tiến hành đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án ngay trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).