Cận cảnh loạt dự án văn hóa, thể thao dang dở gây 'nhức mắt' đô thị Sài Gòn
Người dân nhức mắt, Chủ tịch TP.HCM cũng khó chịu với nhiều dự án văn hóa thể thao dù đã có chủ trương đầu tư nhưng đến nay chỉ nằm "trên giấy".
Mới đây, tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 13, khóa X, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, liên quan tới các dự án treo, chậm tiến độ, công tác giải ngân đầu tư công.
Đại biểu Phạm Đăng Khoa đề cập, dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng  (quận 3) đã chậm tiến độ hơn 10 năm, vị đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND thành phố thông tin về ngày khởi công của dự án này.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ, các dự án treo nhiều năm là thực trạng của thành phố và nhiều đô thị khác. Đối với dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, ông Mãi cho rằng, ai đi qua đi lại cũng cảm thấy vướng mắc và khó chịu. "Bản thân tôi cũng thấy nhức mắt và khó chịu với dự án này", Chủ tịch TP.HCM chỉ rõ.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc đến nằm ở khu đất “vàng” mặt tiền đường trung tâm Thành phố: Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3). Dự án này được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010. Nhà thi đấu có mức đầu tư được công bố là 988 tỷ đồng, đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã “đắp chiếu” được hơn 13 năm và trong tình trạng hoang phế, cỏ cây mọc um tùm.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, không chỉ dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng gây "nhức mắt" mà trên địa bàn TP.HCM hiện nay còn hàng loạt các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao nhiều năm nay đều trong tình trạng ì ạch, nhiều nơi đã hoang hóa, dù đã có chủ trương đầu tư nhưng đến nay chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, người dân thành phố luôn than phiền việc thiếu các thiết chế văn hóa, trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ.
Cụ thể, một dự án “lâu đời” khác của thành phố là khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Dự án này có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có quy mô 466ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... để có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.
Đây cũng là dự án trọng điểm của TP.HCM đã được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XI, dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng hơn 20 năm, dự án này vẫn chỉ là ao cá, đầm lầy, cây cỏ um tùm, nhà cửa lụp xụp.
>> Sôi động thị trường bất động sản triệu đô chạy dọc vành đai 3,5 Thủ đô Hà Nội 
Một trong những dự án của khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc là khu đô thị thể thao phức hợp Saigon Sport City  với diện tích 64ha cũng trong tình trạng ngưng thi công. Được khởi công từ cuối năm 2019 và dự kiến hoàn thiện năm 2027, nhưng đến nay dự án mới chỉ có khu nhà mẫu được hoàn thành.
Năm 2007, thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cung văn hóa thiếu nhi tại khu đô thị mới Thủ Thiêm  (TP. Thủ Đức) với quy mô gần 40.000m2. Khi hoàn thành, công trình này sẽ tạo sự phát triển hướng đến các thế hệ trẻ tương lai của Thành phố.
Tuy nhiên đã 15 năm trôi qua, dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, HĐND Thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự án cũng được chuyển từ nhóm B sang nhóm A với vốn đầu tư từ 516 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2028.
Không chỉ những dự án lớn, ngay trên các con đường lớn tại thành phố, nhiều sân khấu, trung tâm văn hóa nghệ thuật đã xuống cấp trầm trọng, hoang hóa gây xấu xí bộ mặt đô thị. Điển hình như khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim tại số 651 Trần Hưng Đạo, quận 5.
Năm 2017, UBND thành phố duyệt đề xuất đầu tư khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim tại số 651 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5 (nơi tọa lạc của rạp Lao Động A-B) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng vốn khoảng 164 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn trơ trọi, xuống cấp, bên ngoài dán thông báo công trình có nguy cơ mất an toàn.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trên địa bàn thành phố không chỉ có các dự án này mà còn nhiều điểm “đất vàng” khác cũng trong tình trạng tương tự vướng các vấn đề pháp lý cần rà soát lại, có thể điểm tên như Thương xá Tax.
Đối với chuyện lấy các mảnh đất này phục vụ các nhu cầu khác, ông Mãi cho biết thành phố đang tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo để đề xuất các đề án để tạm khai thác các nhà đất chưa sử dụng.
>> Cận cảnh 7 khu đất 'vàng' vắng ngắt ở trung tâm Sài Gòn hoa lệ 
Cổ phiếu Hoàng Huy (TCH) về sát giá trị sổ sách, chờ bứt phá với loạt dự án BĐS sắp bàn giao 
Dabaco (DBC) kiến nghị về loạt dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời