Cần chỉ định thầu làm 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Đường sắt tốc độ cao Việt Nam chưa làm bao giờ, do đó nếu không có cơ chế đặc thù thì chắc chắn các nhà thầu nước ta sẽ không có điều kiện tham gia dự án”, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - cho hay.
Dự án đầu tư công lớn nhất lịch sử đất nước
Chiều 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao  trên trục Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD. Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2035 với nguồn vốn ngân sách Nhà nước được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khoảng 12 năm.
Trong chủ trương vừa được thông qua, Quốc hội cho phép dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Về quy mô sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TPHCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. |
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định dự án được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong khoảng 18 năm, đã tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Khi thảo luận tại Quốc hội về dự án, các đại biểu cho rằng cần thiết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khi triển khai dự án, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.
Tại tọa đàm "Cafe nhà thầu xây dựng" lần thứ 4 tại Hà Nội diễn ra mới đây, ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nhận định đây dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước. Để thực hiện dự án thì chúng ta phải nỗ lực và cần chuẩn bị rất nhiều nguồn lực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà. Ảnh: VGP. |
Thứ trưởng Phạm Minh Hà chỉ ra, cần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình đặc thù cho dự án về kỹ thuật, an toàn, chất lượng; phải hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến phân cấp quản lý, thẩm định, triển khai, quy hoạch sử dụng đất, nguồn vốn, công nghệ... Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, một trong những thách thức của dự án hiện nay là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.
“Hiện giờ tìm chuyên gia, kỹ sư Việt Nam về lĩnh vực cơ khí, đào hầm rất khó và nếu có thì họ đều đã lớn tuổi. Do đó, yêu cầu cấp thiết trước mắt là cần bắt tay vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho dự án”, Thứ trưởng Phạm Minh Hà nói.
Cần có cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (lVACC) cho rằng cần có cơ chế đặc thù liên quan đến năng lực, kinh nghiệm, tài chính, liên kết liên doanh để có thể thực hiện được dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bằng lực lượng của các nhà thầu Việt Nam. Bởi đây là dự án quốc gia rất lớn, các nhà thầu Việt Nam không được làm chủ trên đất nước mình thì thật đáng tiếc.
“Đường sắt tốc độ cao Việt Nam chưa làm bao giờ, do đó nếu không có cơ chế đặc thù thì chắc chắn các nhà thầu nước ta sẽ không có điều kiện tham gia dự án”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho rằng cần tìm ra cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. |
Thiếu tướng, TS.Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12 - cho biết, thời gian qua, các nhà thầu giao thông của Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt, thậm chí có nhà thầu chấp nhận chào thầu với mức giảm từ 20-40% giá gói thầu để trúng thầu vì thiếu việc làm. Để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì cần có cơ chế đặc thù để bảo vệ những nhà thầu có năng lực thực hiện và đem lại lợi ích cho quốc gia.
Quang cảnh tọa đàm "Cafe nhà thầu xây dựng" diễn ra hôm 30/11. |
Đưa ra quan điểm về giải pháp tăng nguồn lực cho nhà thầu trong nước tham gia dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Fecon - cho rằng nên học hỏi kinh nghiệm ở một số nước như Trung Quốc. Theo đó, có thể có nghiên cứu cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng với các doanh nghiệp tham gia các công trình trọng điểm quốc gia.
Lãnh đạo Fecon cho rằng, đối với siêu dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì cần có cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp để đảm bảo các yếu tố như năng lực tổ chức thực hiện, tiềm lực tài chính, thời gian bảo hành...
Hồi trung tuần tháng 11, phát biểu tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt", ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp Việt có khả năng đảm đương, tuy nhiên ông Kiên lo ngại về vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là nguồn nhân lực và tính liên kết, hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.
"Miếng bánh rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà", ông Kiên cho hay.
>> Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD được thông qua: Nguồn vốn sẽ bố trí ra sao? 
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD được thông qua: Nguồn vốn sẽ bố trí ra sao? 
Chủ tịch Quốc hội: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng tư duy đổi mới