Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD được thông qua: Nguồn vốn sẽ bố trí ra sao?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hoá.
Chiều 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỷ lệ 443/454 đại biểu có mặt tán thành. Đây là dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, được kỳ vọng mang lại bước đột phá trong kết nối liên vùng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Hệ thống đường sắt được thiết kế là tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Trên tuyến, sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hành khách chủ yếu, nhưng có khả năng đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và sẵn sàng vận tải hàng hóa khi cần thiết.
>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Danh sách chi tiết vị trí ga hành khách và ga hàng hoá chính 
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: VGP |
Theo kế hoạch, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, với ước tính sẽ có khoảng 120.836 người cần tái định cư để nhường chỗ cho dự án. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư hoàn toàn bằng vốn đầu tư công, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD).
Quốc hội quyết định từ năm 2025 sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2035.
Trước khi thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình và tiếp thu các ý kiến từ các đại biểu. Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về hiệu quả tài chính của dự án, đặc biệt là khả năng thu hồi vốn, hoàn trả vốn và trợ giá trong quá trình vận hành khai thác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng, các dự án đường sắt tốc độ cao trên thế giới thường mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn nhưng hiệu quả tài chính trực tiếp thường không cao. Doanh thu chủ yếu đến từ nguồn thu vận tải hành khách, hàng hóa, khai thác thương mại, đủ để cân đối chi phí vận hành, bảo trì phương tiện và kết cấu hạ tầng. Trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu của dự án dự kiến chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để bảo trì kết cấu hạ tầng như hiện nay.
Dự án sẽ trải qua 3 kỳ trung hạn, với nhu cầu vốn cụ thể cho từng giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, dự án cần 538 tỷ đồng để phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn này đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải. Giai đoạn 2026-2030, dự án cần 841.707 tỷ đồng, và giai đoạn 2031-2035 cần 871.302 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong cân đối nguồn vốn, dự án sẽ được bố trí vốn theo từng kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quy trình này sẽ phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không yêu cầu thẩm định lại khả năng cân đối vốn như các quy định hiện hành trong Luật Đầu tư công.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa hệ thống giao thông quốc gia, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đây cũng là cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
>> Lộ diện vị trí ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua đoạn Nghệ An