Cần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát triển công trình xanh
Phát triển công trình xanh đang trở thành xu thế trong lĩnh vực xây dựng nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển công trình xanh.
(TyGiaMoi.com) - Phát triển công trình xanh đang trở thành xu thế
Thời gian gần đây, Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), rõ rệt nhất là cơn bão Yagi tại miền Bắc vào tháng 9/2024.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của BĐKH.
Trong bối cảnh BĐKH và khủng hoảng năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Thực hiện các chủ trương này, số lượng công trình xanh tại Việt Nam đã tăng lên rất nhanh. Tính đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.
Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận công trình xanh  cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển công trình xanh
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh ứng phó với BĐKH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) Lê Thị Bích Thuận kiến ngị một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết, Phó Viện trưởng Lê Thị Bích Thuận kiến nghị Chính phủ tạo lập môi trường pháp lý trong xây dựng công trình xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển công trình xanh.
Đồng thời làm rõ trong hệ thống pháp luật các khái niệm, thuật ngữ công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Bà Lê Thị Bích Thuận cho rằng Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, từ đó thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Một giải pháp quan trọng khác là thay đổi nhận thức, thói quen và định hướng xây dựng công trình xanh và quá trình sử dụng, vận hành công trình nhằm tiết kiệm năng lượng.
Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về công trình xanh cùng những lợi ích công trình xanh mang lại; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình xanh.
Phó Viện trưởng Lê Thị Bích Thuận cũng nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ và sử dụng công cụ tin học trong quá trình thiết kế công trình xanh, ví dụ như sử dụng xây dựng mô hình thông tin điện tử BIM (Building Information Management) để phân tích năng lượng của tòa nhà.
Trong quá trình xây dựng công trình xanh, chủ đầu tư cần lựa chọn thiết kế tổng thể bền vững, bao gồm: Bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng; lựa chọn hướng công trình tối ưu, định hướng không gian để tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; mật độ xây dựng thấp hơn mật độ xây dựng theo quy chuẩn, quy chế tương đương; bố trí hệ thống cây xanh, không gian mở, không gian xanh ở vị trí phù hợp và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; đảm bảo các chức năng cơ bản về hạ tầng xã hội phục vụ cho các nhóm nhà ở…
Đồng thời lưu ý các giải pháp về sử dụng nguồn năng lượng sạch và hiệu quả, sử dụng nước hiệu quả, sử dụng vật liệu và nguồn nguyên vật liệu bền vững, thiết kế đảm bảo chất lượng môi trường trong nhà (kiểm soát thông gió, chiếu sáng, độ ẩm không khí, tiếng ồn...).
Sau khi hoàn thành công trình xanh, chủ đầu tư cần lập và quản lý dự án trong quá trình thiết kế, xây dựng theo các giai đoạn vận hành, sử dụng một cách hiệu quả.
>> Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: thúc đẩy từ chính sách tới hành động 
Trong năm 2024, GELEX (GEX) đã khởi công 4 dự án theo tiêu chuẩn công trình xanh 
Lũ lụt “chưa từng có” tại Tây Ban Nha do biến đổi khí hậu?