Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng và đại diện các ngân hàng đều cho rằng, cần có các quy định rõ ràng, minh bạch hơn về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu đó.
Sáng 8/3/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm Luật các tổ chức tín dụng trong có thảo luận về một số vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các TCTD. Việc sửa đổi Luật các TCTD năm 2017 đã bổ sung những quy định xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, Luật các TCTD đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp. Ông Hùng cho biết, hiện quy định hiện hành có nhiều vướng mắc các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Về các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo, bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công Techcombank cho rằng: “Trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của TCTD. Do vậy cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay, bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các TCTD”.
Bà Hoài khẳng định, việc sửa đổi với nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản đảm bảo, luật về xử lý nợ xấu cần quy định rõ: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng trước khi thanh toán các nghĩa vụ khác của bên bảo đảm (bao gồm cả các nghĩa vụ thuế, án phí, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm).
Về kiến nghị xử lý tài sản đảm bảo, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV kiến nghị trong thời hạn 5 năm (hoặc một thời điểm cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là phù hợp) kể từ ngày TCTD nhận bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, TCTD phải bán, chuyển nhượng; hoặc quyết định làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng cho rằng, khi VAMC mua khoản nợ từ TCTD có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, tuy nhiên, khi xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, việc dự án phải đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai là không khả thi.
Nguyên nhân bởi rất nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai là các dự án bất động sản chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có đầy đủ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.
Theo đó, để TCTD hay VAMC có cơ sở pháp lý xử lý được tài sản bảo đảm là dự án bất động sản qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu nên việc quy định về điều kiện dự án bất động sản được chuyển nhượng cần đáp ứng những điều kiện.
Bên cạnh, các TCTD cũng đề nghị bổ sung quy định giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với bất động sản khi TCTD nhận tài sản là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.
Vì sao ông Cao Sỹ Kiêm vẫn có tên trong HĐQT DongA Bank? 
Tài sản Chủ tịch Sacombank (STB) Dương Công Minh tăng thêm 560 tỷ đồng