Theo quy hoạch, cảng biển này sẽ là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm nhất của Việt Nam.
Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng mới đây đã có công văn đề nghị nâng công suất mỏ đá sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm xem xét các điều kiện liên quan của mỏ đá Trường Bản theo quy định hiện hành về nâng công suất khai thác theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch thành phố để hỗ trợ nguồn vật liệu thi công, cung cấp cho dự án cảng Liên Chiểu nhằm đẩy nhanh tiến độ và gia cố bảo vệ các hạng mục công trình đã thực hiện.
Để đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đã tìm kiếm các nguồn vật liệu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…
Theo Ban quản lý, hiện nguồn vật liệu đá hộc các loại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khan hiếm do các mỏ chưa được nâng công suất khai thác; đặc biệt là nguồn đá 1-3 tấn. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thiện và bảo vệ nền đường giao thông, nhất là trong mùa mưa bão.
Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đề nghị thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép mới, gia hạn, nâng cấp trữ lượng và nâng công suất các mỏ khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, đáp ứng tiến độ và giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí cho dự án là 840 tỷ đồng.
Ban Quản lý cho biết, đến nay, khối lượng thi công đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu đạt khoảng 530 tỷ đồng/2.630 tỷ đồng; tương ứng với 20,2% khối lượng.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là công trình giao thông thuộc dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP. Đà Nẵng).
Tiến độ thực hiện từ năm 2021 đến tháng 12/2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu, trong đó, khu bến container 114ha, khu bến tổng hợp 58ha tiếp nhận tàu container. Dự án xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000DWT, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 Teus.
Quy hoạch cảng Liên Chiểu |
Ngoài ra, còn có khu bến thủy nội địa 38ha tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển, giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.
Dự án này do liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO - Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang thực hiện.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
> > Cảng biển 14.000 tỷ đồng tại Quảng Trị 'lỡ hẹn' 4 năm, đã ấn định ngày khởi công
Khởi động dự án 'siêu cảng' Trần Đề, mở cánh cửa giúp Đồng bằng sông Cửu Long đột phá 
Thái Bình quy hoạch cảng biển ngoài khơi phục vụ trung tâm điện - khí LNG