Cảnh báo ngập úng do mưa lũ kết hợp triều cường tại đồng bằng lớn nhất Việt Nam
Các địa phương có nguy cơ ngập úng do triều cường kết hợp lũ cần thực hiện một số biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.
Do ảnh hưởng của mưa lớn , lũ trên hệ thống sông Mê Kông đã dồn nước về đầu nguồn sông Cửu Long, kết hợp với triều cường, làm cho tình trạng lũ đang lên nhanh. Dự báo, đến ngày 21-22/9, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu sẽ đạt mức báo động 1, trong khi trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc dự kiến sẽ vượt mức báo động 1 từ 10-20cm.
Đồng thời, triều cường tại vùng cửa sông cũng sẽ lên cao theo kỳ triều cường rằm tháng 8 Âm lịch. Dự báo mực nước triều sẽ đạt mức cao nhất vào các ngày 19-21/9. Cụ thể, tại trạm Mỹ Thuận, Vĩnh Long, mực nước triều có thể vượt mức báo động 3 từ 5-10cm. Tại trạm Cần Thơ, mực nước triều dự kiến sẽ xấp xỉ hoặc vượt mức báo động 3 khoảng 5cm. Các trạm tại vùng cửa sông sẽ ghi nhận mực nước lên tới mức báo động 2 hoặc báo động 3.
Với diễn biến lũ và triều cường như vậy, cảnh báo nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp của Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao từ ngày 18-22/9. Các khu vực đặc biệt cần lưu ý bao gồm: vùng giữa và ven biển gồm TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp, các khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau như TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang, các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu, TX. Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, TP. Cà Mau tỉnh Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn vùng Thượng Đồng bằng sông Cửu Long như TP. Long Xuyên tỉnh An Giang.
Các địa phương có nguy cơ ngập úng do triều cường kết hợp lũ cần thực hiện một số biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại. Trước tiên, cần rà soát và gia cố các tuyến bờ bao xung yếu, đặc biệt là những tuyến mới đắp, nhằm đảm bảo khả năng chống chịu trước tình hình triều cường và lũ. Song song đó, các giải pháp ứng phó như kiểm tra và bảo trì các công trình thủy lợi và hệ thống thoát nước cần được triển khai.
Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, việc theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều là rất quan trọng. Cần có phương án vận hành hệ thống tiêu thoát nước hiệu quả để ứng phó kịp thời với tình trạng ngập úng . Trong trường hợp xảy ra ngập úng, các phương án bơm tiêu nước cần được chuẩn bị sẵn sàng và triển khai nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long là 40.816,3km2, rộng gần gấp đôi đồng bằng sông Hồng (21.260,3km2). Đây là vựa lúa của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo cho quốc gia và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, theo báo cáo của Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2017.
Hồ thủy điện Thác Bà tiếp tục mở cửa xả lũ, chuẩn bị cho tình huống mưa lũ mới 
Nhà khoa học cảnh báo những thiên tai địa chất sau mưa lũ và cách phòng tránh