Trong 14 lần sinh nở thì có 3 lần chồng tự đỡ đẻ cho vợ, 7 lần bà mẹ này đẻ rơi ngoài lều rồi tự gượng dậy cắt rốn cho con rồi ôm bé về nhà.
Hơn 10 năm trước, chuyện người phụ nữ  liên tiếp sinh 14 người con đã gây xôn xao làng Cổ Bản (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội). Nhiều người thắc mắc, tại sao ở thời đại này, bà Đặng Thị Hải lại có thể sinh nhiều con như vậy trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Quá khứ khổ cực của người mẹ sinh 14 đứa con
Con đường đến nơi ở hiện tại của bà Đặng Thị Hải (56 tuổi) phải đi qua nghĩa trang, xuyên qua cánh đồng mênh mông. Nơi gia đình bà coi là nhà, thực chất là một cái lán được dựng lên, ở nhờ đất dự án từ năm 2007.
Nhiều năm nay, gia đình bà Hải trông cậy vào nơi này để chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà, cấy hái, kiếm con tôm, con tép, mớ rau phục vụ bữa ăn của gần 20 miệng ăn và bán lấy tiền sống qua ngày.
Bà Hải kể, bà lấy ông Năm khi mới 18 tuổi. Khi đó, thương cảnh người con trai lang bạt kiếm sống một mình nên khi ông ngỏ lời, bà đồng ý rồi hai người nên vợ nên chồng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng vất vả bao nhiêu thì vợ cũng cố gắng kiếm tiền mưu sinh bấy nhiêu.
Trong 25 năm, vợ chồng bà Hải sinh được 14 người con, 8 trai 6 gái. Mười bốn lần “vượt cạn”, bà Hải chưa từng đến cơ sở y tế để sinh con. Trong số 14 lần, có 3 lần chồng bà đỡ đẻ, 7 lần bà tự đẻ rơi ngoài lều. “Có lần, tôi phải tự tay cắt rốn cho con rồi ôm về nhà”, bà Hải nói.
Về lý do sinh nhiều con, bà Hải chia sẻ, những năm về trước cuộc sống gia đình khó khăn, vợ chồng không có kế hoạch sinh nở rõ ràng, chỉ lo làm ăn. “Đến khi phát hiện đã là con mình, tôi không nỡ bỏ con, không làm được chuyện ấy nên lại sinh con ra”, bà Hải tâm sự.
Do nhà đông con nên vợ chồng phải làm đủ nghề để lo bữa cơm. Ngoài thời gian làm đồng, chăn nuôi ở nhà, rảnh rỗi vợ chồng bà lại đi nhận bốc vác thuê, mò cua bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Vậy mà có những hôm, cả nhà nhịn đói buổi sáng đi làm, trưa thì ăn khoai, đến tối lấy tiền công mua được cân gạo mới có cơm để ăn.
Thậm chí, có những ngày bà phải nhịn đói, đi ngủ sớm để nhường cơm cho chồng, cho con. Nhưng sáng hôm sau, bà đã phải dậy sớm để ra đồng bắt cua, bắt tép, bán lấy tiền mua gạo.
Biến cố liên tục ập đến
Hai vợ chồng vất vả chăm bẵm, nuôi các con trong cảnh thiếu thốn nhưng cuộc sống vẫn trôi qua hạnh phúc, vui vẻ. Nỗi đau và sự khổ cực chỉ thật sự đè nặng lên vai người phụ nữ kể từ ngày chồng bà đổ bệnh. Năm 2014, con gái út của bà bị não úng thủy không may qua đời, chồng bà cũng ra đi mãi mãi sau đó 2 năm. Liên tiếp mất đi hai người thân, bà Hải cảm thấy gục ngã. Đã có những lúc, cuộc sống tăm tối, khổ đến mức bà tưởng rằng mình sẽ không thể vượt qua được.
Các con bữa no bữa đói, lòng người mẹ đau thắt ruột. Có lúc nghĩ tiêu cực, bà từng muốn quyên sinh để vơi đi nỗi vất vả nhưng rồi lại nghĩ, mình chết thì ai nuôi con. Mỗi ngày bà lại nuốt nước mắt vào trong, gượng dậy đi làm, tích từng đồng để mua gạo, mua thức ăn mang về cho những đứa trẻ ở nhà.
Bà Hải một mình cáng đáng mọi việc trong nhà. Một mình nuôi các con khôn lớn, bà Hải chưa được nghỉ ngày nào. Dù 6 trong số 14 người con đã lập gia đình nhưng bà vẫn chưa được một phút giây nghỉ ngơi mà còn phải nuôi thêm cháu, khi các con đứa công việc không ổn định; đứa bỏ chồng, về nhà.
Hơn 30 năm kể từ khi lấy chồng, việc sinh nhiều con khiến cuộc sống khó khăn không làm bà ân hận, điều bà day dứt nhất chính là việc 4 người con trai vướng vòng lao lý.
Bà Hải nhớ lại, một buổi chiều cuối tháng 1/2021, khi vừa cắt rau muống ở bờ ao sát nhà đi lên, tay vẫn cầm nguyên chiếc liềm, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, bà bàng hoàng nhận tin 4 người con trai, từ thứ 7 đến thứ 10 bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi khám xét, Công an quận Hà Đông đã thu giữ 4 xe máy Honda Wave, 18 điện thoại di động và nhiều hung khí.
"Bao nhiêu năm khó khăn trong cuộc sống, tôi chưa từng lấy của ai thứ gì. Đói, khổ, tôi không sợ, chỉ sợ nhất là ánh mắt những người ngoài nhìn vào. Con tôi phạm tội bị bắt giữ, có người cho là do tôi bận bịu làm việc kiếm tiền nên không may để các con như thế. Nhưng chắc chắn có người cũng nghĩ khác, nghĩ xấu về tôi", bà Hải buồn bã.
Vươn lên trong nghịch cảnh, mong muốn các con làm lại cuộc đời
Khi rơi vào bế tắc, bà Hải luôn lựa chọn gắng gượng vươn lên chứ quyết không đầu hàng số phận. Sau nhiều năm làm việc vất vả, bà cũng gom góp, vay mượn được 100 triệu mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Con gái của bà cũng đã đi học may từ năm ngoái và bắt đầu làm việc.
Bà mong rằng, sau khi những người con trai của mình mãn hạn tù trở về sẽ làm lại cuộc đời từ những chiếc máy may bà mua sắm. Ngoài việc mua được những chiếc máy may để làm việc, gia đình bà Hải còn chăn nuôi bò, lợn trong nhà. Bà cho biết khoảng 7 năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình bà đã đỡ khó khăn hơn.
Sống nhờ trên đất dự án, bà Hải luôn sẵn tâm lý dời đi khi dự án đi vào hoạt động. Những đầm cá, ao sen mà gây dựng cũng chỉ là tạm bợ. Sinh nhiều con, cuộc sống vất vả nhưng bà Hải chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Bà cho rằng, đây là số kiếp của bà phải trải qua. Bà tin rằng mỗi người có một số phận, một hoàn cảnh riêng, bà chọn vươn lên, không than trách.
Ở cái tuổi phía bên kia "con dốc” của cuộc đời, bà Hải không có mơ ước nhiều, bà chỉ mong có sức khỏe , lo cho các con nhiều hơn trong những tháng ngày tiếp theo.