Đây được xem là kiệt tác mỹ thuật và điêu khắc của thế kỷ XVII, là bảo vật quốc gia mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng  - vị hoàng đế  đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc là một di tích  quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền tọa lạc tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Di tích này hiện lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị, trong đó nổi bật là cặp long sàng bằng đá (hay còn gọi là sập đá), được công nhận bảo vật quốc gia  vào cuối năm 2017. Cặp long sàng được đánh giá là tác phẩm chạm khắc tỉ mỉ và trau chuốt đến từng chi tiết, đã tồn tại hàng trăm năm.
Mặt long sàng hình chữ nhật, có gờ chỉ bao quanh. Lâu nay, hình ảnh tượng trưng cho nhà vua và vương quyền được các nước Á Đông sử dụng chủ yếu là hình rồng. Con rồng của người Việt được chạm khắc trên mặt phẳng có đường diềm giữ nước mưa, hàm ý đây là rồng nước - biểu tượng quyền lực của vị vua đứng đầu một dân tộc lớn lên từ nền văn minh lúa nước, là dòng dõi Lạc Long Quân.
Chiếc long sàng thứ nhất được đặt trước nghi môn ngoại. Đây là hiện vật độc bản do triều đình phong kiến Lê - Trịnh chế tác với mục đích làm đồ tế khí dâng tại đền thờ. Giữa long sàng được trang trí hình rồng cuộn mang đầy đủ nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh; thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau đầy uy nghi.
Long sàng có niên đại đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, năm 1608) được chế tác từ một tảng đá xanh nguyên khối, hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 1,5 tấn (rộng 127cm, dài 187cm), chân đế hơi choãi tạo dáng quỳ vững chãi (rộng 134cm, dài 196cm).
Chiếc long sàng thứ hai được đặt ở trước bái đường, có tuổi đời trên 300 năm. Long sàng này cũng được tạc từ đá nguyên khối hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 2 tấn (dày 18cm, dài 188cm, rộng 138cm). Chính giữa bề mặt được chạm khắc hình rồng, tượng trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua.
Trên bề mặt, hình rồng có dáng khoanh tròn, đầu hướng về phía Đông, nhìn lên đỉnh núi Mã Yên. Xung quanh mặt long sàng được chạm khắc diềm trang trí với những hoa văn tỉa tót cầu kỳ, không theo quy tắc đối xứng. Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ uy phong; diềm phía sau lại được trang trí những con vật dân dã, gần gũi với người nông dân như tôm cá, chuột, trâu... Phần chân đế gồm chín khối đá, có kích thước không đều nhau, vuốt tròn đều, thu lại về phía trên tạo thế vững chãi đỡ mặt long sàng.
Cặp long sàng ở đền vua Đinh Tiên Hoàng được đánh giá là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Hai hiện vật này được coi là những tác phẩm mỹ thuật độc đáo, với cách thức trang trí không giống bất kỳ long sàng nào ở Việt Nam từ trước đến nay. Tất cả họa tiết được trang trí trên long sàng đều được chạm khắc tỉ mỉ và chau chuốt đến từng chi tiết. Điều này cho thấy óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc đá thế kỷ XVII khi dày công tạo tác một bức tranh trên đá với ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa nhiều thông điệp.