Cầu duy nhất ở Việt Nam bắc qua 2 dòng sông: Xây dựng khó khăn và lập kỷ lục của cao tốc Bắc - Nam
Cây cầu này có ý nghĩa quan trọng về giao thông và kinh tế - xã hội đối với khu vực Bắc miền Trung.
Cầu Hưng Đức là cây cầu duy nhất ở Việt Nam bắc qua hai con sông lớn là sông Lam và sông La Giang, kết nối huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) với huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022 và chính thức thông xe vào tháng 6/2024, trở thành điểm nhấn quan trọng trong mạng lưới giao thông khu vực Bắc Trung Bộ.
Cầu Hưng Đức được thiết kế với quy mô giai đoạn phân kỳ, gồm 2 làn xe cơ giới. Cầu có bề rộng 17,5m, bao gồm 90 nhịp, trong đó có 76 nhịp super T và 14 nhịp đúc hẫng. Đặc biệt, ba nhịp đúc hẫng lớn vượt sông Lam có khẩu độ lên đến 120m. Với chi phí xây dựng khoảng 1.317 tỷ đồng và chiều dài tổng cộng 4.015m, cầu Hưng Đức đã lập kỷ lục là cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
> > Đầu năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm 4 thị xã mới 
Trong quá trình thi công, dự án đã đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm tác động từ mưa bão khiến cầu tạm bị lũ cuốn trôi hai lần, cùng với áp lực từ bão giá và việc hoàn thiện thủ tục thi công trong phạm vi đê điều. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các nhà thầu, cầu Hưng Đức đã hoàn thành đúng tiến độ, đóng vai trò là hạng mục kỹ thuật phức tạp và là "đường găng" quan trọng trong dự án.
Cầu Hưng Đức thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, với tổng chiều dài hơn 49km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Dự án được khởi công từ tháng 5/2021 và thông xe toàn tuyến vào tháng 6/2024, với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây là một trong ba dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn này.
Khi đi vào hoạt động, cầu Hưng Đức và tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải với năng lực lớn, an toàn và tốc độ cao, mà còn đóng góp vào việc hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án giúp kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, đồng thời tăng cường liên kết vùng cho khu vực Bắc miền Trung nói chung, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.