Cầu vượt sông 'hot' nhất dịp 30/4: Là cây cầu 'dài nhất trong lịch sử', minh chứng cho lòng dũng cảm của người Việt Nam
Ngày nay, cây cầu trở thành di tích quốc gia đặc biệt, lưu giữ ký ức hào hùng và truyền cảm hứng về tinh thần đoàn kết của người Việt Nam.
Cầu Hiền Lương là một địa danh lịch sử nổi bật tại Việt Nam, gắn liền với giai đoạn đất nước bị chia cắt và khát vọng thống nhất dân tộc. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, nằm tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây được mệnh danh là "cây cầu dài nhất trong lịch sử" vì phải mất hơn 21 năm, chúng ta mới sang được tới bờ bên kia.
Cầu đầu tiên được xây dựng vào năm 1928 bằng gỗ, dành cho người đi bộ. Năm 1952, thực dân Pháp xây dựng lại cầu với kết cấu thép, mặt lát gỗ thông, rộng 4m. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, cầu Hiền Lương trở thành ranh giới chia cắt tạm thời giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, kéo dài hơn 21 năm.

Năm 1967, cầu bị bom Mỹ đánh sập. Phải đến năm 1975 - hơn 21 năm sau, đôi bờ Nam - Bắc mới được nối liền, đánh dấu mốc son đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trong suốt thời gian đó, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương trở thành chứng nhân của nỗi đau chia cắt. “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Dòng sông Bến Hải bên nhớ, bên thương trở thành mảnh đất oằn mình chịu bom đạn quân thù. Kẻ thù dựng lên đồn bốt, rào sắt, xe tăng, đại bác, nhưng không thể khuất phục lòng quả cảm, trí tuệ và niềm tin tất thắng của nhân dân đôi bờ Bến Hải. Nhà điện ảnh Thụy Điển Joris Ivens từng thốt lên: “Vĩ tuyến 17 là nơi trưng bày sự man rợ tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.
Năm 1974, để đảm bảo giao thông qua sông Bến Hải, tại vị trí cầu Hiền Lương cũ, một cây cầu bê-tông cốt thép mới đã được xây dựng, dài 186m, rộng 9m, có hành lang dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, cây cầu dần xuống cấp.
Năm 1996, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng thêm một chiếc cầu mới nằm về phía Tây cầu cũ với dài 230m, rộng 11,5m. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy - phương pháp hiện đại nhất lúc đó và lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.


Đến năm 2001, cầu Hiền Lương cũ được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế trước đây, dài 182,97m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván. Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được sơn lại hai màu xanh và vàng, tái hiện đúng màu trong lịch sử khi đất nước chưa thống nhất.
Cùng với cây cầu lịch sử, khu di tích cầu Hiền Lương cũng đã được phục hồi, tôn tạo với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh... Phía bên kia cầu là tượng đài "Khát vọng thống nhất" đặt ở bờ Nam sông Bến Hải, gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé mang nỗi chờ mong khắc khoải, mắt hướng về phía miền Bắc. Phía sau là hình ảnh những tàu lá dừa của miền Nam thân yêu vút lên từ trong lòng đất biểu trưng cho khát vọng thống nhất non sông.
Hiện nay, cứ vào ngày 30/4 hằng năm, tỉnh Quảng Trị tổ chức Ngày hội Thống nhất non sông tại cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Khu vực cầu Hiền Lương là một phần của cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và là một trong những nơi "hot" hơn bao giờ hết, đặc biệt là vào dịp lễ lớn của dân tộc: 30/4 - Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

Cùng chung không khí của ngày hội thống nhất, Nguyên Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cũng đưa con gái tới nơi này. Hai cha con ông vừa đi bộ dọc cây cầu, vừa nói chuyện về lịch sử, về công lao - máu, nước mắt của thế hệ cha ông, và giá trị của 2 tiếng hòa bình.

"Chúng ta chỉ mất khoảng 2 phút để chạy qua chiếc cầu này nhưng ông cha ta đã phải trải qua 21 năm dài đằng đẵng để nối 2 bên bờ nơi đây", nhiều bạn trẻ thốt lên khi tới thăm cây cầu lịch sử.
Hằng năm, nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ khắp nơi trên cả nước đến thăm Khu di tích cầu Hiền Lương, tận mắt nhìn thấy cây cầu lịch sử, cột cờ hiên ngang và những chứng tích chiến tranh để cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh của ông cha. Đây chính là cơ hội để thế hệ trẻ nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, từ đó ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chưa đầy một tháng nữa, Việt Nam sẽ khởi công siêu cầu vượt sông Hồng hơn 15.000 tỷ
Toàn cảnh những cây cầu vượt sông 'phá thế' chia cắt Nam Định và Ninh Bình