Cây cầu gần 1.000 tỷ, có 22 trụ, 85 phiến dầm Super-T, thiết kế lấy cảm hứng từ búp sen giữ kỷ lục dài nhất miền Trung
Cây cầu này bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng.
Cầu Cửa Hội  bắc qua sông Lam , nối hai tỉnh Nghệ An  và Hà Tĩnh  khởi động từ tháng 6/2016. Công trình chính thức khởi công từ tháng 2/2019 và hợp long vào ngày 13/10/2020. Đến ngày 14/3/2021, sau 25 tháng tập trung thi công, cầu đã khánh thành đưa vào sử dụng. Dự án có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó gồm 450 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ  và 500 tỷ đồng vốn ngân sách hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cầu Cửa Hội có 22 trụ, 85 phiến dầm Super-T. Dự án có tổng chiều dài hơn 5,3km. Phần cầu chính Cửa Hội dài hơn 1,7km, còn lại là phần đường dẫn phía Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là cây cầu thứ 4 bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Được xem là cầu đường bộ  dài nhất miền Trung sau khi hoàn thành. Phá kỷ lục cầu Đà Rằng  mới bắc qua sông Ba  đoạn qua TP Tuy Hòa (Phú Yên ) dài 1,6km.
Điểm đầu dự án tại Km0+00 nối với đường tỉnh 535 và đường quy hoạch thị xã Cửa Lò  thuộc địa phận phường Nghi Hải; điểm cuối dự án khớp nối tuyến đường ven biển do tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, cách vị trí nút giao với quốc lộ 8B khoảng 200m, thuộc xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Phần cầu chính Cửa Hội có bề rộng cầu chính 18,5m, bề rộng cầu dẫn 16m. Tĩnh không thông thuyền đáp ứng cho tàu biển có tải trọng đến 2.000 DWT.
Điểm nhấn kiến trúc  của cầu nằm trên đỉnh cột bê tông với biểu tượng hình búp sen. Cột bê tông này cũng là nơi lắp dây văng dẫn xuống phía dưới. Phần đường của dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80km/h. Cây cầu này được người dân gọi là "biểu tượng của Cửa Hội".
Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm. Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã quyết định trích ngân sách hơn 65 tỷ đồng để làm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội . Hai tỉnh đang giao các đơn vị liên quan thiết kế bản vẽ thi công, phê duyệt lựa chọn nhà thầu.
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện; tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của hai tỉnh; kéo dài thời gian hoạt động tham quan, ngắm cảnh về đêm cho du khách.
Hệ thống chiếu sáng tách thành hai dự án độc lập. Hà Tĩnh và Nghệ An sẽ thực hiện công việc trên địa giới hành chính của đơn vị mình, điểm kết thúc là nhịp chính giữa cầu Cửa Hội. Dự kiến, trụ tháp, trụ chính, búp sen đỉnh tháp, dây văng sẽ được lắp đèn pha, led đổi màu để tạo điểm nhấn.
Phần thi công của Hà Tĩnh dài hơn. Ngoài trang trí cầu, địa phương còn làm thêm hệ thống chiếu sáng đường dẫn dài hơn 3.000m, phạm vi từ đầu cầu tại huyện Nghi Xuân đến hết nút giao thông tỉnh lộ 546.
Sau khi đi vào hoạt động, cầu Cửa Hội góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua Nghệ An và Hà Tĩnh, kết nối với QL8A, QL1 và giảm tải giao thông cho QL1. Đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch biển tại hai địa phương trên.
Chẳng hạn, Nghi Xuân có 32km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như: Xuân Thành, Cương Gián, Xuân Liên… và cũng đã quy hoạch các khu đô thị ven biển, khu du lịch , làng nghề, khu nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp. Vì thế, cầu Cửa Hội chắc chắn sẽ đánh thức tiềm năng vốn có của địa phương, thu hút các nhà đầu tư xây dựng một thành phố di sản. Trong đó lấy yếu tố văn hóa làm cốt lõi, ngành du lịch và dịch vụ làm mũi nhọn. Những vùng phụ cận còn lại sẽ tập trung cho phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao và công nghiệp.
Ngoài ra, cầu Cửa Hội cũng sẽ kết nối vùng Nam Nghệ An với Bắc Hà Tĩnh, như kết nối cảng Cửa Lò, cảng biển quốc tế Vissai , cảng DKC và các Khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, FLC  với khu du lịch bãi biển Xuân Thành… tạo nên một vùng phát triển Nam Nghệ - Bắc Hà mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch.
* Ảnh: Báo điện tử Chính phủ, Báo Hà Tĩnh, Báo Công thương.