Điểm đến

Cây cầu vượt sông 340 tỷ dài nhất trên Quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung, từng dài thứ nhì Đông Dương, là biểu tượng của một thành phố biển

Quỳnh Như 01/11/2023 10:00

Nằm trên Quốc lộ 1 ở Tuy Hòa, đây là một trong những cầu dài nhất do người Pháp khởi xướng xây dựng, chỉ thua cầu Long Biên trên sông Hồng lúc bấy giờ.

"Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp

Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu

Ngày xuân con cá giải sầu

Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng".

Cây cầu Đà Rằng đi vào thơ ca Việt Nam nhẹ nhàng và tình cảm như chính bề ngoài của cây cầu. Nếu đồ vật mà được nhân hóa lên thì ắt hẳn mọi người sẽ gọi cầu Đà Rằng là “cụ cầu” bởi cây cầu này đã có mặt tại vùng đất Phú Yên từ thời Đông Dương xa xưa.

736byhbz

Cây cầu sắt lớn thứ nhì Đông Dương thời Pháp

Đầu thế kỷ XX, việc đi lại giữa hai miền vẫn vô cùng gian nan. Con đường thiên lý Bắc - Nam ngày ấy khi đến vùng đất gọi là Châu Thành (nay là thành phố Tuy Hoà, thủ phủ tỉnh Phú Yên) thì phải đi qua một trong hai bến đò: hoặc là bến đò Ngọc Lãng hoặc phải ngược lên vùng núi phía tây để qua bến đò Ông Chừ.

Vì thế, năm 1924, người Pháp tiến hành khảo sát, thiết kế, xây dựng cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa. Hai cầu nối tiếp liền nhau nên gọi chung là cầu Đà Rằng. Cầu được xây dựng dùng chung cho cả đường bộ và đường sắt. Cầu Đà Rằng dài 1.105m, cầu Sông Chùa dài 141,5m.

Cầu được khởi công ngày 23/6/1926 và theo hợp đồng sẽ hoàn thành trong 16 tháng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/1927. Tuy nhiên do các trận lũ lớn xẩy ra, nên tiến độ bị chậm lại. Phải đến tháng 4/1929 cầu mới hoàn thành toàn bộ. Với tổng chi phí xây dựng lúc bấy giờ là 117.800 đồng Đông Dương.

Đây là cây cầu sắt lớn thứ nhì Đông Dương chỉ sau cầu Long Biên ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc và là cây cầu lớn nhất trên con đường sắt Hà Nội - Sài Gòn xuyên Việt.

cau-da-rang-cay-cau-bieu-tuong-cua-manh-dat-phu-yen-e1507534107690

Thời ấy lưu lượng xe ô tô tham gia giao thông còn rất ít, nên lòng cầu thường được thiết kế rất hẹp, đủ cho một xe ô tô qua lại. Thế mới có chuyện cứ mỗi quãng ba nhịp lại có một nhịp làm rộng ra hai bên để xe ngược chiều tránh nhau. Xe cộ mỗi ngày một nhiều, giao thông thường bị tắc nghẽn. Chính quyền lúc bấy giờ cho thiết lập lại cây cầu với lối kiến trúc quy mô hơn, lòng cầu rộng đủ cho ô tô chạy ngược chiều, hai bên lề cầu có chắn song và có lối đi riêng cho khách bộ hành.

Sau khi có cây cầu bắc qua sông bằng xi măng cốt thép, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Cây cầu dài 21 nhịp đó còn là nơi nam thanh nữ lịch lui tới hò hẹn, trao duyên.

Cây cầu đi cùng lịch sử

Số phận cầu Đà Rằng cũng trải qua nhiều thăng trầm. Lúc mới thông tầu hoả và xe ô tô được hơn chục năm thì đến tháng 12/1946 cầu Đà Rằng bị phá hủy một số nhịp. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn mới cho khôi phục lại cầu Đà Rằng như thiết kế nguyên mẫu của người Pháp, cầu vẫn dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ.

Đến cuối năm 1969, chính quyền Sài Gòn cho khởi công xây dựng cầu đường bộ Đà Rằng mới, tách ô tô ra khỏi cầu đường sắt. Cầu đường bộ mới Đà Rằng dưới thời Việt Nam Cộng hoà là cây cầu hiện đại nhất lúc bấy giờ. Mặt cầu rộng 7,5m dành cho 2 làn xe, hai bên có lề cho người đi bộ, mỗi bên lề rộng 0,9m. Cầu có 59 nhịp với 58 trụ, 2 mố đầu cầu. Trong đó có 52 nhịp ngắn, mỗi nhịp dài 18m; 7 nhịp dài còn lại mỗi nhịp 21m.

cầu Đà Rằng 1

Kết cấu mỗi nhịp có 6 dầm thép chịu lực, mỗi trụ cầu có 6 cọc đóng thẳng đứng và 4 cọc đóng xiên. Các cọc này đóng sâu vào lòng đất từ 18-24m. Đến đầu năm 1971, nghĩa là chỉ sau hơn 1 năm xây dựng thì cầu đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thi công nhanh nhất lúc bấy giờ. Cầu chịu được xe tải 35-50 tấn. Tuy là cây cầu hiện đại nhất lúc bấy giờ trên quốc lộ 1 ở miền Nam, nhưng thực chất đây vẫn chỉ là cây cầu dã chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, cầu Đà Rằng đường sắt cũng như cầu Đà Rằng đường bộ từ thời trước để lại bị xuống cấp trầm trọng: tàu hoả qua cầu phải chạy rất chậm, xe ô tô ùn ứ hai bên đầu cầu đường bộ… Vì thế phải liên tục gia cố, tu bổ để kéo dài thời gian sử dụng.

Năm 1999, cầu đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải hợp tác với Nhật Bản duy tu sửa lớn, gia cố trụ cầu bằng bê tông cốt thép nguyên khối, thay giàn cầu từ của Pháp sang của Nhật, tháo gỡ trụ tạm ở giữa mỗi nhịp. Cầu Đà Rằng đường sắt được sơn màu xám trắng, là cầu mới hoàn toàn, dài và đẹp nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Cầu Đà Rằng đường bộ cũng xuống cấp, các dầm thép võng do tải trọng xe quá lớn, mặt cầu rạn nứt phải gia cố, thảm nhựa lại nhiều lần. Ngày 19/1/2018, Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công xây dựng cầu mới đường bộ Đà Rằng. Cây cầu mới này được xây dựng song song, ngay cạnh cầu Đà Rằng - là biểu tượng của TP Tuy Hòa và là cây cầu dài nhất trên Quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung.

cầu Đà Rằng

Dự án cầu Đà Rằng xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, có tổng chiều dài 1,7km (cho 2 cầu và đường dẫn). Cầu rộng 7,5m cho 2 làn xe, có lan can sắt và lề cho người đi bộ, với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng. Đến tháng 5/2019, cầu Đà Rằng được bàn giao để đưa vào sử dụng.

Cầu Đà Rằng là sự kết hợp khéo léo giữa xưa và nay, phản ánh tiến bộ kỹ thuật xây dựng cầu đường, là điểm nhấn, là nhân chứng lịch sử nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

* Ảnh Báo Lao động, Vtrip.

Cung đường đèo 33km nối hai thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, được mệnh danh là "con đường nối biển và hoa" dân phượt chắc chắn phải chinh phục

Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam: Gấp đôi cầu Long Biên, tương lai kết nối 2 TP trực thuộc Trung ương

Chiêm ngưỡng 'siêu cầu' vượt sông 137 triệu USD dài nhất Việt Nam, có thể chịu được động đất cấp 8

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cay-cau-vuot-song-340-ty-dai-nhat-tren-quoc-lo-1-doan-qua-mien-trung-tung-dai-thu-nhi-dong-duong-la-bieu-tuong-cua-mot-thanh-pho-bien-d110701.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cây cầu vượt sông 340 tỷ dài nhất trên Quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung, từng dài thứ nhì Đông Dương, là biểu tượng của một thành phố biển
    POWERED BY ONECMS & INTECH