Cây cầu gần trăm tỷ duy nhất Việt Nam có thể "xoay mình" lúc nửa đêm, kéo dài 11 nhịp, người dân góp 7 tỷ xây dựng
Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công.
Cầu Sông Hàn  được khởi công ngày 2/9/1998. Đây là cây cầu  quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam.
Năm 1998, một năm sau khi Đà Nẵng  trở thành đô thị loại 1, công trình cầu Sông Hàn mang tính bứt phá đã được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, một công trình sẽ có một chỗ đứng trong lịch sử phát triển của thành phố.
Cầu Sông Hàn không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông  mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của riêng thành phố Đà Nẵng. Có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hàn, tuy nhiên cầu Sông Hàn đã tạo cho người dân Đà Nẵng cũng như du khách nhiều xúc cảm nhất. Nó trở thành niềm tự hào và là biểu tượng cho khát vọng đi lên của người dân thành phố.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, cầu sông Hàn dài 456,46 mét gồm 13 nhịp, hai nhịp giữa có thể quay theo chiều dọc của dòng sông để tàu có trọng tải lớn, cột buồm cao có thể đi qua, vào các cảng ở sâu trong nội địa.
Cây cầu nối từ đoạn cuối của đường Lê Duẩn bên quận Hải Châu sang bên kia là quận Sơn Trà ở đầu đường Phạm Văn Đồng rộng 45 m chạy thẳng đến bãi tắm Mỹ Khê, nối thông với con đường ven biển từ Bãi Bụt bên núi Sơn Trà đến thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, vào tận Hội An, và mai đây sẽ vượt Cửa Đại đến Chu Lai, Dung Quất.
Sau khi cầu sông Hàn đi vào hoạt động, đi từ quân Hải Châu sang quận Sơn Trà chỉ cần ba phút xe máy để qua cầu, và nếu đi bộ thì cũng chỉ khoảng 10 phút. Giao thông phát triển thuận lợi đã khơi dậy những tiềm năng, mà trước mắt là dịch vụ và du lịch của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nằm ở vị trí một bên là sông Hàn, một bên là biển Đông. Khi đêm xuống, cầu Sông Hàn lại khoác lên mình "chiếc áo" mới với màu sắc sặc sỡ, lung linh phản chiếu xuống mặt sông. Dù vậy, thời khắc cầu Sông Hàn quay không phải ai cũng có dịp được trực tiếp nhìn ngắm vì hoạt động này diễn ra khá khuya.
Lịch trình quay cầu Sông Hàn nhằm vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Thời gian cầu quay vào lúc 23 giờ và kết thúc vào lúc 23 giờ 30 phút. Du khách có thể đứng dưới chân cầu ở phía bờ sông trên tuyến đường Bạch Đằng hoặc Trần Hưng Đạo để có góc nhìn tổng quát. Từ vị trí này có thể quan sát được quá trình chuẩn bị ở trên cầu Sông Hàn.
Ban đầu, cây cầu được thiết kế với hệ thống quay nhằm mục đích phục vụ giao thông đường thủy, giúp cho tàu lớn thuận tiện qua lại. Lâu dần, cây cầu trở thành một địa chỉ hút khách về đêm như một biểu tượng của TP.Đà Nẵng.
Ngược về quá khứ, thống kê số tiền do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp xây cầu Sông Hàn là hơn 7 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng. Ngày 29/3/2000, cây cầu cắt băng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Người dân thành phố đổ dồn lên cầu, nhiều người bật khóc. Việt kiều Phương về nước chụp nhiều bức ảnh cầu quay, mang sang Mỹ khoe với bạn bè. Hai năm sau, những xóm nhà tạm bợ trên sông được xóa bỏ.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng, cho rằng ban đầu phương án cầu quay nhằm đáp ứng nối liền giao thông đôi bờ sông Hàn, vừa đảm bảo khả năng tàu quân sự qua lại. Lúc quân cảng di dời, việc cầu quay hằng đêm trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của thành phố.
Cầu Sông Hàn khi mới hai tuổi đã được lên tem bưu chính, trong bộ tem cầu Việt Nam phát hành năm 2002 giới thiệu về cầu Long Biên của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Thừa Thiên Huế, cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang với Vĩnh Long và cầu Sông Hàn. Logo biểu tượng Đà Nẵng do họa sĩ Nguyễn Thủy Liên thiết kế cũng có cầu sông Hàn và Ngũ Hành Sơn.
"Cầu Sông Hàn được lên tem hay thành biểu tượng cho thành phố vì đây là cây cầu của lòng dân", ông Tiếng nói.