Cú sốc từ Mỹ: Đã đến lúc định vị lại chiến lược xuất khẩu?
Trong vòng xoáy của "cơn bão thuế quan" đầy biến động, đã đến lúc Việt Nam cần chủ động vươn mình, không chỉ dựa vào những ưu đãi thuế hay sự dịch chuyển thị trường thụ động. Một nền kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ cần một chiến lược chủ động, tái cấu trúc để định vị lại bản thân, và một nội lực cạnh tranh vượt trội trên trường quốc tế.
Lo ngại kim ngạch xuất khẩu giảm 5–10 tỷ USD trong năm 2025
Thị trường Mỹ – nơi chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương đương khoảng 96 tỷ USD năm 2024 – vừa áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số mặt hàng từ Việt Nam. Động thái này được xem là một thay đổi chính sách đáng chú ý, khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu không khỏi lo lắng về nguy cơ sụt giảm đơn hàng, chi phí gia tăng và sức cạnh tranh suy giảm.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ có khả năng tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế quan để thu hút đơn hàng, trong khi Mexico hưởng lợi từ vị trí địa lý gần Hoa Kỳ và Hiệp định USMCA. Campuchia, Indonesia cũng đang tích cực cải cách môi trường đầu tư. Theo World Bank, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, Việt Nam có thể mất 5–7% thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn 2025–2026.
Một số ngành mũi nhọn đang chịu sức ép rõ rệt: ngành gỗ – hiện chiếm 60% thị phần xuất khẩu sang Mỹ – đứng trước rủi ro giảm đơn hàng; dệt may và da giày – vốn là lĩnh vực tạo nhiều việc làm – cũng đối diện nguy cơ mất đơn hàng lớn; thủy sản – đóng góp 1,8 tỷ USD xuất khẩu – đang chịu thêm áp lực từ rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá; ngành điện tử với kim ngạch hơn 15 tỷ USD cũng không tránh khỏi rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
![]() >>> Việc Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Trong nguy có cơ - thời điểm vàng để tái cơ cấu và nâng tầm chuỗi giá trị  |
Việt Nam nằm trong danh sách áp thuế đối ứng của chính quyền ông Trump. Ảnh: TL. |
Chưa kể, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn. Khối phân tích VIS Rating dẫn ra, trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Rõ ràng "cơn địa chấn" thuế từ Mỹ đang tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho xuất khẩu Việt Nam. Lo ngại chính sách này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, lạm phát và việc làm tại Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), dự báo, sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. "Cơn bão" này không chỉ quét qua các nhà máy, mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch.
Đồng thời nhấn mạnh, mức thuế cao có thể làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Điều này sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên, dẫn đến tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Không chỉ vậy, các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư, vốn nhạy bén với rủi ro, sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi rót vốn vào một quốc gia có quan hệ thương mại "căng thẳng".
Đáng chú ý, sự sụt giảm xuất khẩu và dòng vốn FDI có thể tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến đồng Việt Nam mất giá. Hệ quả là chi phí nhập khẩu tăng, kéo theo nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 trở nên thách thức hơn. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD, chiếm gần 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
"Nếu các rào cản thuế kéo dài, kim ngạch có thể giảm 5–10 tỷ USD trong năm 2025, tác động tiêu cực đến các ngành chế biến, chế tạo – trụ cột chính của tăng trưởng", ông Long khuyến nghị.
'Điều cấp thiết lúc này là sự chuẩn bị bài bản cho một giai đoạn bất định mới'
Để ứng phó với tác động tiêu cực từ mức áp thuế quan của Mỹ, TS Ngô Trí Long cho rằng, điều cần nhất trong lúc này là không nên hoảng loạn mà cần bình tĩnh vượt qua khó khăn. Đây là thời điểm thử thách năng lực phối hợp chính sách giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, bởi nếu chỉ phản ứng riêng lẻ, sẽ rất khó vượt qua một cú sốc lớn mang tính hệ thống.
Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị, nên tập trung vào nội tại của mình để đưa ra chiến thuật và chiến lược trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cụ thể, thông qua các cuộc tham vấn cấp cao, cơ quan chức năng Việt Nam có thể đề nghị xem xét lại các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chưa phù hợp. Sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cần thiết.
![]() |
Các doanh nghiệp có chiến lược cân bằng, đa dạng hóa thị trường, sản xuất linh hoạt, quản lý tài chính chặt chẽ ,sẽ vượt qua giai đoạn này tốt hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, bất chấp chi phí thuế quan mới. Ảnh: TL. |
>>> Bộ trưởng Công Thương gửi công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 
"Trong lúc này, các giải pháp hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp bao gồm cung cấp thông tin sớm và đầy đủ về các cuộc điều tra, rủi ro từ thị trường. Hỗ trợ pháp lý, tư vấn hồ sơ, nâng cao năng lực ứng phó. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào Mỹ, EU, Trung Quốc. Như vậy, thách thức lớn từ thuế đối ứng 46% cũng sẽ tạo ra áp lực để chúng ta điều chỉnh và phát triển theo hướng phù hợp với tình hình mới", ông Long cho hay.
Đặc biệt, đây là thời điểm "vàng" để tái cấu trúc xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và làm chủ chuỗi cung ứng. Từ chỗ bị động ứng phó với biến động thị trường, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chuyển mình để chủ động thích ứng - từ thị trường, sản phẩm đến phương thức tiếp cận. Đây là nền tảng vững chắc để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu "dài hơi" trong giai đoạn tới.
Ông Long cho rằng cần tập trung vào 3 định hướng chiến lược. Thứ nhất, chuyển đổi mô hình xuất khẩu, gia tăng giá trị. Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược xuất khẩu từ gia công trở thành người sáng tạo. Hiện tại, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành dệt may và da giày, mang lại giá trị gia tăng thấp, chỉ từ 15% đến 20%, và chỉ có chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Để thay đổi tình hình này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% hàng xuất khẩu sẽ là sản phẩm tự thiết kế và mang thương hiệu Việt. Chiến lược này tập trung vào các ngành có tiềm năng lớn như nông sản chế biến, thực phẩm, dệt may cao cấp và điện tử tiêu dùng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng nội địa. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, đang gia tăng rủi ro cho chuỗi xuất khẩu. Riêng ngành dệt may, hơn 60% nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu. Chiến lược cần hướng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40–50% vào năm 2030. Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, hình thành cụm liên kết sản xuất.
"Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới và phát triển logistics. Cạnh tranh toàn cầu không còn chỉ dựa vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, tốc độ và dịch vụ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị và marketing. Chi phí logistics hiện chiếm 16–20% giá thành sản phẩm, cao hơn mức trung bình khu vực (khoảng 12%). Cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, kết nối thông minh giữa cảng – kho – vận tải để tối ưu chi phí", vị chuyên gia nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh, để nâng cao năng lực xuất khẩu, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Đặc biệt, ông Long đề xuất nên xây dựng cơ chế phản ứng chính sách linh hoạt trước biến động quốc tế. Thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu và ủy ban phản ứng nhanh về thương mại. Định hướng lại chiến lược xuất khẩu theo hướng tự chủ, bền vững, ít phụ thuộc, có khả năng chống chịu tốt hơn.