Cây cầu này chính là minh chứng cho trình độ kỹ thuật đỉnh cao và sự sáng tạo của người Nhật Bản.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có nhiều công trình độc đáo. Trong số đó, không thể không nhắc đến cầu xoắn ốc Kawazu-Nanadaru, tọa lạc tại thị trấn Kawazu, tỉnh Shizuoka, trên Quốc lộ 414 Nhật Bản nối Numazu với Shimoda , ở Bán đảo Izu của Nhật Bản về phía tây nam Tokyo.
Cầu vòng Kawazu-Nanadaru là cây cầu xoắn ốc đôi có chiều cao 45m (148ft), đường kính 80m (260ft), tổng chiều dài 1.064m (3.491ft) và vòng 720 độ. Cây cầu  được đỡ bởi sáu trụ, phần cầu vòng gồm 4 dầm hộp cong 3 nhịp liên tiếp.
Từ hướng ga Shimoda/Kawazu, cây cầu đi lên dốc ngược chiều kim đồng hồ và từ hướng đường hầm Izu/Amagi, nó đi xuống dốc theo chiều kim đồng hồ. Xe cộ mỗi bên một làn đường nhưng tốc độ giới hạn ở mức 30km/h để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi qua cây cầu này và cấm vượt. Ngoài ô tô, xe máy thì xe đạp cũng có thể đi lại trên cầu.
Trước đây, quốc lộ 414 của Nhật Bản sử dụng lối rẽ kẹp tóc dọc theo ngọn núi nhưng nó đã bị sập do trận động đất Izu Ōshima năm 1978 và con đường trên sườn đồi bị cắt đứt. Rút kinh nghiệm từ đó, các kiến trúc sư Nhật Bản đã đưa ra phương án xây cầu vòng để đảm bảo việc đi lại an toàn và kết nối những con đường có chênh lệch độ cao lớn trong một khu vực hạn chế.
Năm 1981, cầu vòng Kawazu-Nanadaru chính thức được mở cửa thông xe. Cùng năm đó, cây cầu đã giành được Giải thưởng Tanaka từ Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản.
Nhìn từ xa, nhiều người nhận xét cây cầu này như một con rắn khổng lồ uốn lượn giữa những ngọn núi kỳ vĩ. Vì nằm ở lối vào suối nước nóng Nanadaru và Otaki cùng khung cảnh tuyệt vời xung quanh, cây cầu thu hút lượng lớn người dân và du khách  đến trải nghiệm.
Cầu Kawazu-Nanadaru được đánh giá cao bởi nhiều tờ báo trên toàn cầu, được coi là một kiệt tác về mặt kỹ thuật xây dựng và thiết kế của Nhật Bản. Trang Dangerous Roads cũng mô tả nó như một trong những cây cầu ngoạn mục nhất trên thế giới. Không chỉ là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, mà cầu này cũng là niềm tự hào của người dân địa phương.