Những con số ‘khủng’ về cây cầu 164km dài nhất thế giới quy tụ 10.000 người xây dựng
Cây cầu đang nắm giữ “ngôi vương thế giới” tọa lạc tại Trung Quốc, gây ấn tượng bởi hàng loạt con số “khủng”.
Những con số ‘khủng’ về cây cầu dài nhất thế giới
Vào năm 2011, cây cầu Đan Dương - Côn Sơn đã thông xe sau hơn 3 năm xây dựng và được công nhận là cây cầu  dài nhất thế giới, cũng là cây cầu đầu tiên sử dụng dầm liên hợp thép-bê tông. Đây được coi là một bước tiến mới trong công nghệ xây cầu của Trung Quốc, đồng thời được xem là một "siêu dự án".
Cầu Đan Dương - Côn Sơn đi qua 5 thành phố, bắt đầu từ Đan Dương, qua Thường Châu, Vô Tích, Tô Châu và kết thúc ở Côn Sơn, với tổng chiều dài là 164,851km. So với cây cầu dài nhất ở Việt Nam, cầu Đình Vũ - Cát Hải ở thành phố Hải Phòng với chiều dài 5,44km, cây cầu Đan Dương - Côn Sơn dài gấp hơn 30 lần.
Theo thông tin từ trang Baijiahao, việc xây dựng cầu Đan Dương - Côn Sơn không hề dễ dàng bởi cây cầu phải huy động hơn 10.000 nhân công, mất đến hơn 3 năm để hoàn thành, tiêu tốn 450.000 tấn kết cấu thép; sử dụng tổng cộng hơn 4.500 dầm hộp bê tông có trọng lượng 900 tấn mỗi chiếc, tổng trọng lượng lên đến 4 triệu tấn. Kinh phí xây dựng “siêu dự án” này lên đến con số 30 tỷ nhân dân tệ (hơn 100.000 tỷ VNĐ). Cây cầu này thậm chí có thể chịu được va đập trực tiếp từ tàu hải quân có trọng lượng từ 300.000 tấn trở xuống.
Vào ngày 30/6/2011, cùng với sự khai trương của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, cầu Đan Dương - Côn Sơn chính thức thông xe.
Theo Tổ chức Kỷ lục Guinness , cây cầu Đan Dương - Côn Sơn là cây cầu dài nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Tại sao lại xây cầu thay vì làm đường sắt trên mặt đất?
Cầu Đan Dương - Côn Sơn là một phần của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, nối giữa ga Nam Nam Kinh và ga Hồng Kiều tại Thượng Hải. Trong điều kiện địa chất bình thường, việc xây dựng đường sắt trên mặt đất thường tiết kiệm hơn so với việc xây cầu. Tuy nhiên, vị trí của cây cầu nằm tại phía nam tỉnh Giang Tô, thuộc vùng đồng bằng phù sa của sông Dương Tử, nơi có đặc trưng là đất mềm và độ sâu trũng thấp, làm cho việc đặt móng trực tiếp trên mặt đất dễ gây ra việc lún đất không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng di chuyển của tàu. Mặc dù cầu Đan Dương - Côn Sơn có chiều dài 165km nhưng thực tế nó bao gồm nhiều cấu trúc cầu độc lập và các dầm hộp bê tông được liên kết với nhau.
Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Dương Tử có nhiều kênh rạch và hồ nước, với hơn 150 con sông rộng hơn 20m. Ngay cả khi xây dựng đường sắt trên mặt đất thì cũng cần phải xây rất nhiều cầu để vượt qua hệ thống phức tạp của sông và đường sá, điều này sẽ gây ra sự phiền toái khi tàu phải thường xuyên chuyển đổi giữa đường và cầu.
Đối mặt với những thách thức này, các kỹ sư Trung Quốc đã quyết định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc thông qua cầu Đan Dương - Côn Sơn thay vì tuyến đường trên mặt đất. Phương án này giúp tàu di chuyển tránh giao cắt với đường bộ và đường sông, đồng thời làm cho tuyến đường sắt cao tốc trở nên thẳng hơn để tàu có thể di chuyển với tốc độ cao lên đến 350km/h.
Cầu Đan Dương - Côn Sơn trở thành một trong những dự án giao thông nổi bật nhất tại Trung Quốc, giảm thiểu thời gian di chuyển cho hành khách và thúc đẩy sự giao thương giữa các thành phố  nằm dọc theo tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và “hồi sinh” cho toàn bộ đồng bằng sông Dương Tử.