Sáp nhập Hà Nội - Hà Tây 17 năm trước: Không cục bộ, xóa tan mọi hoài nghi
17 năm trước, người Hà Tây trở thành “người Hà Nội” với những lo âu “xứ Đoài sẽ bị hòa tan”, “Hà Tây quê lụa bị lãng quên”. Nay niềm tự hào của Hà Tây không những không mai một mà còn vươn xa hơn, không gian kinh tế mở rộng.


Năm 2008, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hành chính: Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15, mở rộng ranh giới Thủ đô.
Thủ đô khi ấy mang dáng hình mới, gồm cả toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, diện tích Hà Nội lên tới hơn 3.300km2, nằm trong số 17 thủ đô, thành phố lớn nhất thế giới.
Thủ đô hợp nhất với dân số 6,2 triệu người, tổ chức hành chính gồm 29 quận, huyện, thị xã; 577 xã, phường, thị trấn. Một quyết định mang tính bước ngoặt. Một sự kiện làm thay đổi diện mạo, mở ra những vận hội mới cho Hà Nội.

Nhớ lại phiên họp quan trọng của HĐND năm 2008, bà Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13) khi đó là đại biểu HĐND TP Hà Nội kể: “Chúng tôi được thông báo về việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Một thứ trưởng Bộ Xây dựng trình bày về quy hoạch tổng thể Thủ đô, sau đó HĐND thảo luận. Khi đứng lên phát biểu, tôi nói: Chúng tôi chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, nhưng giá như có thêm thời gian để thảo luận, vì mọi thứ diễn ra quá gấp”.
Những lo âu ấy không chỉ nằm trong hội nghị. Người Hà Tây có suy nghĩ: “Thà đầu gà hơn đuôi voi”. Người Hà Nội cũng ái ngại: “Liệu mình có thiệt thòi?”. Lãnh đạo lo lắng liệu mở rộng có quản lý được không. Cán bộ e ngại về vị trí công tác. Đội ngũ cán bộ Hà Tây ra Hà Nội làm việc, phải xa nhà hơn. Ngược lại, không ít cán bộ Hà Nội cũng phải dịch chuyển về Hà Đông để làm việc.

Nỗi băn khoăn hiển hiện trong từng câu trả lời báo chí thời điểm đó. Ông Kiều Đăng Dịu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tây, ngập ngừng: “Tôi còn chưa biết đi đâu, về đâu. Tổ chức bố trí thế nào, tôi tuân thủ, nhưng anh em cũng lo lắng nhiều”.
Ông Nguyễn Đăng Kính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tây, đại biểu Quốc hội khóa 12 cũng chia sẻ nỗi vất vả khi di chuyển từ Hà Tây vào nội thành, nơi tắc đường trở thành chuyện thường ngày.
Những tâm tư ấy không phải của riêng ai. Đó là tâm trạng chung của cán bộ, của người dân trước một thay đổi lớn, không chỉ về địa giới hành chính, mà còn về cuộc sống.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
“Không chỉ hành chính, nỗi trăn trở lớn hơn là văn hóa. Người ta lo xứ Đoài, vùng đất trăm nghề, quê lụa Hà Tây sẽ bị hòa tan vào Hà Nội nghìn năm văn hiến. ‘Hà Tây quê lụa có bị lãng quên không?’. Đó là câu hỏi không dễ gì trả lời”, bà An kể.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhớ lại: Thời điểm 2008, cả Hà Tây và Hà Nội đều có những tâm tư riêng. Hai vùng đất về chung một nhà, nhưng tâm lý chưa hẳn đã hòa nhập.
“Người dân vẫn nói vui ‘tôi là người Hà Nội 2’. Một cách nói nửa đùa, nửa thật, nhưng cũng phản ánh sự khác biệt chưa thể xóa nhòa ngay tức khắc. Phố phường Hà Tây vẫn mang dáng dấp của một tỉnh lỵ cũ. Người dân nội đô vẫn có chút lạ lẫm khi nhắc đến những địa danh vừa mới trở thành một phần của Thủ đô...”, ông Cường cho hay.

Theo bà Bùi Thị An, một trong những thách thức lớn nhất sau sáp nhập chính là nhân sự. Hai bộ máy hợp nhất, dẫn đến tình trạng dư thừa, đặc biệt là cấp phó. Có những sở, số lượng phó giám đốc lên tới 12-13 người. “Không thể giữ nguyên hết, nhưng cũng chẳng thể cắt giảm ngay lập tức”, bà An trầm tư.
Một bài toán khó. Một sự sắp xếp cần đến sự tinh tế, quyết đoán.
Hà Nội đã làm tốt công tác tư tưởng, giải thích, động viên, đi kèm cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ. Mọi việc đều làm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, tạo sự đồng thuận.
“Đó là nhờ tài trí của lãnh đạo thành phố, các cơ quan, địa phương. Họ thực sự có tâm sáng, không cục bộ, không vì Hà Tây hay Hà Nội, mà vì cái chung. Nhờ vậy, mọi chuyện dần đi vào ổn định, không còn những hoài nghi, dè dặt ban đầu”, bà An nói.
Là người từng trăn trở, lo lắng, giờ đây, nhìn lại hành trình 17 năm, bà khẳng định: Sáp nhập là một quyết sách đúng đắn.

Chỉ sau một năm, những thay đổi đã rõ rệt, nhất là ở khu vực ngoại thành - nơi từng là địa bàn của Hà Tây, Hòa Bình cũ.
Bà An kể: “Tôi lên xã Tiến Xuân (thuộc tỉnh Hòa Bình cũ), gặp bí thư, chủ tịch, họ đều nói rằng hạ tầng giao thông đã thay đổi. Những con đường cũ được cải tạo, mở rộng. Hệ thống xe buýt về tận nơi với giá vé rẻ giúp việc đi lại thuận tiện hơn bao giờ hết”.
Không chỉ là đường sá. Ba Vì - vùng đất xa xôi một thời - nay đã có hệ thống nước sạch. Y tế, giáo dục được đầu tư bài bản. Ở một xã thuộc huyện Thanh Oai, bà An tận mắt chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ.
"Người dân đến làm thủ tục không còn phải chen chúc. Chỉ cần bấm số, ngồi chờ đến lượt. Điều này đã giải quyết được phần nào những nhiêu khê, nhũng nhiễu trước đây”.
Một số người từng lo ngại, xứ Đoài với nét riêng đầy lưu luyến đã đi vào thơ ca liệu có bị phai nhạt. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Nét văn hoá độc đáo vẫn được người dân nâng niu lưu giữ. Những di tích như chùa Mía, làng cổ Đường Lâm, Ao Vua... không chỉ được bảo tồn mà còn được tôn tạo. Các làng nghề truyền thống, niềm tự hào của Hà Tây không những không mai một mà còn vươn xa hơn nhờ giao thương thuận lợi.
Quốc Oai, Hoài Đức - những huyện của Hà Tây trước đây đang trên đà chuyển mình. Không gian kinh tế được mở rộng. Dân trí được nâng cao. Sự giao thoa giữa văn hóa và chính trị giúp những vùng đất này khoác lên mình diện mạo hiện đại và văn minh.

"Có thể khi mới bắt đầu, người ta còn chần chừ. Nhưng đến hôm nay, ai cũng thấy rằng, sáp nhập là một cơ hội lớn. Hà Tây cũ bây giờ trở thành ‘phần mở’ trong đôi bàn tay rộng lớn của Hà Nội”, bà An nói.
Ông Cường nhận định: “Những quyết định có tác động rộng thường cần thời gian để đánh giá toàn diện. Đối với một sự kiện quan trọng như việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, 17 năm là khoảng thời gian đủ dài để có cái nhìn khách quan và đưa ra những đánh giá dựa trên thực tiễn. Dù còn có những tồn tại nhưng tổng thể, sau 17 năm sáp nhập, rõ ràng nhìn thấy nhiều mặt được”.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Mặt được rõ nhất, theo ông Cường, là không gian phát triển Thủ đô tăng lên, tạo điều kiện để giãn dân đô thị trung tâm.
Khi Hà Tây về với Hà Nội, mô hình đô thị của Hà Nội được hoạch định phát triển theo hướng “1 đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh” (Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên). Mục tiêu là giảm mạnh mật độ dân cư tại khu vực đô thị lõi, nhưng điều này chưa đạt được như mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo ông, nếu không mở rộng, nội đô sẽ còn chật chội hơn hiện nay rất nhiều. Thực tế, các khu đô thị mới được phát triển ở vùng ven đã góp phần thu hút đáng kể người dân di dời ra ngoài, tạo sự phát triển lan tỏa.
Thứ hai, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, kết nối các khu vực. Quá trình này diễn ra nhanh chóng nhờ lợi thế nằm trên cùng một địa phương. Điển hình là quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng Vành đai 4 diễn ra thuận lợi.
Thứ ba, điều kiện phát triển vùng của Hà Tây cũ thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây còn tồn tại những khu vực có điều kiện khó khăn, thì giờ đây, khoảng cách đó dần được thu hẹp. Dù vẫn có những xã miền núi, những cộng đồng dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung, sự phát triển đã có bước tiến đồng đều hơn.
Thứ tư, nguồn lực để tạo ra sự phát triển mạnh hơn. Nếu huy động đủ nguồn lực cho chùm đô thị như kỳ vọng ban đầu, quy mô của Hà Nội sẽ còn lớn hơn nữa. Dù việc này chưa thực hiện được nhưng nhiều vùng có tiềm năng phát triển tốt đã được khai thác như Hoài Đức, Hoà Lạc, Mê Linh. Nếu không có cuộc sáp nhập này, Hà Nội sẽ không có không gian phát triển như hiện nay. Đặc biệt, trung tâm Hà Nội chịu áp lực quá tải về hạ tầng, dân cư và hình ảnh đô thị. Nếu không có không gian phát triển, việc xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại là rất khó.
Ông Cường nhấn mạnh: “Rõ ràng, việc sáp nhập với Hà Tây đã tạo điều kiện phát triển cho Thủ đô, giúp Thủ đô có quy mô xứng tầm với các đô thị hiện đại trên thế giới”.


Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, có hai trường hợp không bắt buộc sáp nhập. Đó là những địa phương có vị trí biệt lập, giao thông khó kết nối hoặc có vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.
Trong danh sách 11 tỉnh, thành được Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên có Hà Nội. 10 tỉnh, thành khác là: Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, 11 tỉnh, thành này vẫn thực hiện việc sáp nhập xã, phường, không tổ chức cấp huyện.
>> Thủ đô Hà Nội dự kiến giảm 50% xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã