CEO bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, Bamboo Airways gửi 'tâm thư' cho Bộ Tài chính
Bamboo Airways cho rằng, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam đã gây ra những thiệt thòi không đáng có.
Mới đây, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways ) đã có "tâm thư" gửi tới Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế và Cục thuế tỉnh Bình Định sau sự việc CEO Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh do liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của công ty.
Trong văn bản, Bamboo Airways nhấn mạnh rằng, mặc dù công ty đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và triển khai tái cấu trúc toàn diện, nhưng vẫn đang gặp phải vô vàn khó khăn và thách thức. Công ty liên tục nhận được các quyết định và thông báo từ Cục thuế tỉnh Bình Định, trong đó bao gồm việc cưỡng chế trích tiền từ tài khoản và phong tỏa tài khoản.
Đặc biệt, ngày 20/09/2024, Bamboo Airways nhận được thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam – người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways, do công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bamboo Airways cho rằng, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam đã gây ra những thiệt thòi không đáng có. Trong bối cảnh công ty đang rất cần một "thuyền trưởng" giàu kinh nghiệm để dẫn dắt qua giai đoạn khó khăn, ông Lương Hoài Nam đã thể hiện quyết tâm và sự cam kết mạnh mẽ trong việc khắc phục tình hình, đưa Bamboo Airways tiến tới ổn định và phát triển. Tuy nhiên, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ông Nam mà còn gián tiếp cản trở quá trình tái cấu trúc và các hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, việc ông Nam không thể tham gia các cuộc họp và đàm phán với đối tác đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch quan trọng của công ty. Bamboo Airways cũng cho biết, sau khi có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh, nhiều đối tác, nhà cung cấp, đặc biệt là các bên cho thuê máy bay, động cơ và nhiên liệu bay, đã gia tăng áp lực đòi thanh toán các khoản nợ. Một số đối tác thậm chí đã gửi yêu cầu xem xét chấm dứt hợp đồng nếu không đáp ứng được các yêu cầu thanh toán, hoặc lựa chọn phương án khởi kiện để thu hồi nợ.
Không chỉ có các đối tác, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng đồng loạt thông báo dừng giải ngân các khoản vay đã phê duyệt và tạm ngừng cấp thêm các hạn mức vay mới cho Bamboo Airways. Điều này đã khiến dòng vốn của hãng bị "đóng băng", gây đình trệ toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty.
Sau thông tin tạm hoãn xuất cảnh, Bamboo Airways cũng ghi nhận doanh thu giảm sút nghiêm trọng, với mức giảm khoảng 60% so với trước đây. Nhiều đối tác hủy hợp đồng, trong khi khách hàng tỏ ra lo lắng và không tiếp tục sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Trước tình hình này, Bamboo Airways đã khẩn thiết kêu gọi các cơ quan quản lý xem xét hỗ trợ công ty trong quá trình tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh bằng cách tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế thuế, đặc biệt là biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Lương Hoài Nam.
Công ty nhấn mạnh rằng, việc gỡ bỏ lệnh tạm hoãn này sẽ giúp Bamboo Airways thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc, ổn định hoạt động, đảm bảo nguồn thu liên tục, và nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thuế, tiếp tục đóng góp vào ngân sách địa phương.
Đồng thời, Bamboo Airways cũng đề nghị các cơ quan xem xét, chấp thuận cho phép công ty được nộp dần tiền thuế nợ theo từng tháng với số tiền cam kết là 10 tỷ đồng/tháng và số tiền nộp dần theo tháng có thể sẽ được điều chỉnh trên mức đề xuất khi doanh thu của Bamboo Airways dần ổn định.
>> CEO Bamboo Airways: Đang thiếu quy định cho xăng dầu hàng không 
Bamboo Airways giảm 60% doanh thu sau tin CEO bị hoãn xuất cảnh 
Bị Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh, Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói gì?