Thế giới

Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình 9 triệu thùng dầu/ngày

Đào Doãn 20/09/2024 11:14

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tiếp đón và có buổi làm việc với đoàn công tác của Saudi Aramco. Đây là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, với tổng doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt 220,7 tỷ USD.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới

Saudi Aramco là tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Ả Rập Xê-Út, đồng thời là “đại gia” dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tập đoàn này không chỉ là một trong những trụ cột kinh tế hàng đầu của Ả Rập Xê-Út, mà còn là một phần không thể thiếu của thị trường dầu khí toàn cầu. Thậm chí, có thời điểm, Saudi Aramco là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình hơn 10 triệu thùng dầu/ngày - ảnh 1
Saudi Aramco là tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Ả Rập Xê-Út

Trụ sở chính của Saudi Aramco đặt tại Dhahran, phía Đông Ả Rập Xê-Út, nơi họ điều hành các hoạt động liên quan đến khai thác, sản xuất, lọc dầu, và xuất khẩu dầu khí.

Aramco nổi tiếng với trữ lượng dầu khổng lồ và hiệu suất khai thác vượt trội, giúp tập đoàn duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Ngoài ra, Aramco còn đóng vai trò quan trọng trong các dự án phát triển năng lượng tái tạo và bền vững, phản ánh chiến lược đa dạng hóa của Ả Rập Xê-Út trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Aramco bắt đầu hình thành từ năm 1933, khi Chính phủ Ả Rập Xê-Út ký một thỏa thuận dầu mỏ với Standard Oil of California (SOCAL), công ty tiền thân của Chevron ngày nay. Theo đó, SOCAL được cấp quyền thăm dò dầu khí ở bán đảo Ả Rập.

Năm 1938, mỏ dầu thương mại đầu tiên của Ả Rập Xê-Út được phát hiện tại Dammam, mở đầu cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.

Năm 1973, Chính phủ đã mua lại 25% cổ phần của Aramco và tiếp tục tăng tỷ lệ này lên 60% vào năm 1974. Đến năm 1980, Ả Rập Xê-Út đã sở hữu hoàn toàn công ty và chính thức đổi tên thành Saudi Arabian Oil Company (Saudi Aramco) vào năm 1988. Điều này phản ánh sự chuyển giao từ sự hợp tác với các công ty nước ngoài sang quyền kiểm soát hoàn toàn của nhà nước.

Trong giai đoạn từ thập niên 1990 đến nay, Saudi Aramco đã mở rộng hoạt động ra toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất dầu mà còn đầu tư vào các nhà máy lọc dầu và hóa dầu. Các dự án liên doanh với các tập đoàn quốc tế lớn như ExxonMobil, Sinopec và Royal Dutch Shell giúp Aramco mở rộng chuỗi cung ứng năng lượng ra thị trường quốc tế.

Vào năm 2019, Saudi Aramco đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới. Công ty được định giá khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, và đã huy động được khoảng 25,6 tỷ USD từ đợt IPO này.

Mặc dù chỉ bán ra một phần nhỏ cổ phần, sự kiện này đã chứng tỏ quy mô khổng lồ và vị thế toàn cầu của Aramco. Các khách hàng lớn nhất của Aramco tập trung ở châu Á, nơi chiếm tới hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của tập đoàn này. Hiện tại, Chính phủ Ả Rập Xê Út sở hữu khoảng 82% Aramco, trong khi Quỹ Đầu tư Công nắm giữ thêm 16% cổ phần.

Saudi Aramco nắm giữ một trong những trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, với con số được xác nhận vào năm 2022 là khoảng 297,5 tỷ thùng dầu. Điều này tương đương với hơn 10% tổng trữ lượng dầu toàn cầu. Aramco sản xuất trung bình 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất. Khối lượng dầu sản xuất khổng lồ này đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình hơn 10 triệu thùng dầu/ngày - ảnh 2
Aramco sản xuất trung bình hơn 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới

Bên cạnh dầu thô, tập đoàn cũng là một nhà sản xuất khí tự nhiên quan trọng. Công ty không chỉ tập trung vào khai thác mà còn phát triển các dự án xử lý khí tự nhiên để cung cấp nhiên liệu sạch hơn cho các ngành công nghiệp trong nước và quốc tế.

Thêm nữa, Aramco vận hành một trong những mạng lưới lọc dầu lớn nhất thế giới, với các cơ sở tại nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Công ty cũng đầu tư vào các công nghệ lọc hóa dầu tiên tiến để tăng cường hiệu suất, tạo ra các sản phẩm hóa dầu như nhựa và sợi tổng hợp.

Được biết, tập đoàn hiện xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm hóa dầu đến toàn cầu, chủ yếu thông qua Ras Tanura, cảng xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Đội tàu vận chuyển dầu thô của Aramco đảm bảo quá trình vận chuyển hiệu quả, đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Aramco là nguồn thu lớn nhất của Ả Rập Xê-Út, đóng góp khoảng 85-90% doanh thu xuất khẩu của quốc gia và chiếm hơn 40% GDP. Doanh thu từ dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu đã giúp quốc gia này duy trì một nền kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cung cấp nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các sáng kiến phát triển kinh tế trong kế hoạch.

Trong quý II/2024, giá bán dầu trung bình của Aramco vào khoảng 85,7 USD/thùng, tăng từ mức 83 USD/thùng trong quý I/2024.

Năm 2022, Aramco đạt được lợi nhuận kỷ lục lên đến hơn 161 tỷ USD - tăng 46% so với mức 110 tỷ USD của năm 2021. Dòng tiền tự do cũng đạt 148,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 107,5 tỷ USD của năm 2021. Lợi nhuận của Aramco trong năm 2022 cũng cao gấp 3 lần so với nhiều “ông lớn” dầu hàng đầu thế giới như Exxon, BP, Shell hay Chevron.

Vào năm 2023, Aramco đạt doanh thu khoảng 440,8 tỷ USD, thu được lợi nhuận 121 tỷ USD, giảm so với mức kỷ lục ghi nhận vào năm trước đó do giá năng lượng thấp hơn.

Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình hơn 10 triệu thùng dầu/ngày - ảnh 3
Doanh thu Aramco (2017-2023)

Còn nửa đầu năm nay, tổng doanh thu của Aramco là 220,7 tỷ USD, tăng so với mức 218,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm còn 56,3 tỷ USD, từ mức 61,9 USD của nửa đầu năm 2023.

Dẫu vậy, tập đoàn vẫn lạc quan về dự báo kinh doanh của cả năm 2024 nhờ triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không và nhu cầu tích cực từ thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch kiêm CEO của Aramco, Amin H. Nasser nói trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt kỷ lục 103,2 triệu thùng/ngày, bất chấp một số trở ngại về kinh tế và địa chính trị.

Ông đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay, khi số lượng đi lại bằng đường hàng không ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn; đồng thời hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - thị trường mua dầu nhiều nhất thế giới sẽ hồi phục tốt.

Aramco đang lên kế hoạch trả 20,3 tỷ USD cổ tức quý II/2024 cho các nhà đầu tư và 10,8 tỷ USD cổ tức liên quan tới hiệu suất, đưa tổng cổ tức chi trả trong nửa đầu năm nay lên hơn 124 tỷ USD.

Đồng thời Aramco cũng có nhiều thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới. Những thỏa thuận này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Aramco mà còn giúp đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng cho các thị trường lớn, như châu Á và châu Âu.

Saudi Aramco muốn xây nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam

Mới đây, tại phòng giao dịch Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tiếp đón và có buổi làm việc với đoàn công tác của Saudi Aramco. Theo đó, đoàn công tác của Aramco do Phó Chủ tịch phụ trách Bán lẻ Ziyad Juraifani dẫn đầu, cùng Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Quốc tế Nader Douhan, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Bán lẻ Quốc tế Lucas Rubinacci và Trưởng nhóm Phát triển Kinh doanh Bán lẻ Quốc tế Ross Hood.

Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình hơn 10 triệu thùng dầu/ngày - ảnh 4
Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tiếp đón và có buổi làm việc với đoàn công tác của Saudi Aramco

Tại buổi làm việc, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường và nắm bắt các cơ hội để đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện tại, Aramco đã cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng chưa đầu tư trực tiếp.

Phó Chủ tịch phụ trách Bán lẻ Ziyad Juraifani của Aramco bày tỏ sự tin tưởng rằng với thế mạnh của cả Aramco và Petrolimex, sự hợp tác chiến lược và bài bản giữa hai tập đoàn trong tương lai sẽ tạo nên những lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Việt Nam.

>> ‘Ông lớn’ vừa ngỏ ý hợp tác đầu tư với Việt Nam: Thuộc sở hữu của gia đình ông Donald Trump, là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản

YouTube bắt tay Shopee lập ‘đế chế’ thương mại điện tử mới tại Đông Nam Á, sẽ mở rộng sang Việt Nam trong vài tuần tới

Phát hiện ‘kho báu’ trữ lượng 5 triệu tấn ở nơi nghèo nhất, láng giềng Việt Nam như ‘hổ mọc thêm cánh’ trong hàng loạt lĩnh vực nòng cốt

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chan-dung-tap-doan-dau-khi-lon-nhat-the-gioi-muon-dau-tu-vao-viet-nam-san-xuat-trung-binh-hon-10-trieu-thung-daungay-127122.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chân dung tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam: Sản xuất trung bình 9 triệu thùng dầu/ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH