Tài chính Ngân hàng

Chân dung Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng vừa bị bắt, Thạc sĩ lương nửa tỷ/năm

Hà An 03/01/2025 - 13:00

Trước khi đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vào tháng 12/2019, bà Hằng từng là Phó Tổng Giám đốc.

Ngày 31/12, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin cụ thể về vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Theo đó, bà Lê Thuý Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bà Lê Thúy Hằng sinh năm 1970, quê quán Hải Phòng, là nhân vật có bề dày học vấn với hai bằng Thạc sĩ: Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng. Trước khi đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc SJC vào tháng 12/2019, bà từng là Phó Tổng Giám đốc.

Thời điểm giữ chức Tổng Giám đốc, báo cáo của SJC ghi nhận bà Hằng có lương cao chỉ sau ông Trần Văn Tịnh - Chủ tịch SJC. Cụ thể, năm 2022, bà Hằng được tính toán mức lương là hơn 547 triệu/năm và năm 2023 có mức lương 552 triệu/năm, chưa tính tiền thưởng và các thu nhập khác.

Chân dung Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng vừa bị bắt, Thạc sĩ lương nửa tỷ/năm
Bà Lê Thúy Hằng (Ảnh: SJC)

Dưới sự lãnh đạo của bà Hằng, SJC đạt được những con số kinh doanh đáng chú ý. Năm đầu tiên bà giữ chức Tổng Giám đốc (2020), doanh thu công ty đạt 23.491 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm trước, với lợi nhuận sau thuế gần 56 tỷ đồng, tăng hơn 6%. Đến năm 2023, doanh thu thuần tăng lên 28.408 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 0,85%, dẫn đến lãi ròng khoảng 61 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng doanh thu lớn nhưng lợi nhuận mỏng là do giá vốn hàng bán chiếm tới 99% doanh thu. Thực trạng này phản ánh mô hình hoạt động tập trung vào gia công và phân phối vàng miếng dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, thay vì được chủ động mở rộng thị trường hay phát triển sản phẩm mới.

Trong các báo cáo thường niên, bà Hằng từng nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn của SJC là mở rộng sản xuất và kinh doanh nữ trang, thâm nhập thị trường Đông Nam Á và phát triển các sản phẩm mới như thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt, kết hợp với du lịch.

Năm 2024, SJC đặt mục tiêu sản xuất gần 31.700 lượng vàng miếng và khoảng 445.000 món nữ trang, với tổng doanh thu dự kiến đạt hơn 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 70,2 tỷ đồng. Đây được xem là mục tiêu đầy tham vọng và có thể giúp SJC đạt được mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2014.

Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của bà Lê Thúy Hằng, SJC đã duy trì được doanh thu ổn định nhưng không thể tạo ra những đột phá về lợi nhuận do bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý và các quy định chặt chẽ. Những nỗ lực mở rộng kinh doanh và cải tổ của bà Hằng tuy đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn, do UBND TP. HCM quản lý. Từ năm 2012, doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước chọn là đơn vị sản xuất độc quyền vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC.

>> Tổng Giám đốc bị khởi tố, Công ty Vàng SJC bổ nhiệm sếp mới

Giá vàng tăng mạnh, có nơi vàng nhẫn vượt SJC

Giá vàng hôm nay 3/1/2025: Thế giới tăng dựng đứng, vàng SJC và nhẫn bứt phá

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chan-dung-tong-giam-doc-sjc-le-thuy-hang-vua-bi-bat-thac-si-luong-nua-tynam-269241.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chân dung Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng vừa bị bắt, Thạc sĩ lương nửa tỷ/năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH